Tối 5/8, dự án “Việt Nam của tôi“ – “Mein Vietnam“ do Viện Goethe phối hợp với tạp chí văn học trực tuyến ZZZ Review được khởi động.
Dự án nhằm tìm hiểu về căn tính, bản sắc Việt Nam xuyên biên giới qua những vở kịch 5 phút. Tác giả là các nhà văn, nhà viết kịch có thời gian dài trưởng thành và sinh sống tại nước ngoài. Tiến sỹ văn học Quyên Nguyễn – chủ biến tạp chí văn học trực tuyến ZZZ Review là người lựa chọn và tìm kiếm những tác phẩm, cá nhân tài năng.
Cụ thể, có bốn nhà văn Việt kiều ra đời sau năm 1979 đang sinh sống tại Séc, Đức, Pháp, Mỹ cùng năm tác giả trẻ từ miền Bắc và Nam được chọn. Mỗi người viết một vở kịch kéo dài năm phút. 9 vở kịch sẽ thay nhau trả lời câu hỏi về ý nghĩa Việt Nam trong họ.
[Phát huy tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế]
“Việt Nam của tôi” – “Mein Vietnam” sẽ có sự tổng hòa về kịch nghệ, văn học và điện ảnh. Mỗi vở kịch sẽ được diễn ở không gian sân khấu phi truyền thống và ghi hình lại rồi biên tập thành các phim sân khấu.
Ở các tác giả tại Việt Nam, đó là “Mộng Tam Sinh” của Maik Cây (Nguyễn Phương Anh), “Coca, rau muống, tỏi” của Đỗ Văn Hoàng, “Nhà hàng Việt Nam” của Lê Khải Việt, “Căn phòng” của Vũ Ánh Dương và “Thế mà cũng là nhà thơ” của ChuKim (Nguyễn Anh Tuấn).
Những tác phẩm của bốn tác giả còn lại, gồm 3 nhà văn gốc Việt người Mỹ, Séc, Đức và một người Pháp sinh ra tại Hà Nội đều đặt ra những vấn đề hiện sinh liên quan đến người Việt xuyên biên giới.
Sau khi hoàn thiện, các tác phẩm sẽ được trình chiếu trực tuyến trên một nền tảng cho Viện Goethe cung cấp.
Để hiện thực hóa việc quay dựng mỗi tác phẩm, “Việt Nam của tôi” – “Mein Vietnam” đang kêu gọi gây quỹ qua nền tảng Crowdify. Những thông tin cụ thể được đăng tải và cập nhật trên trang web chính thức của Viện Goethe hoặc trên trang Facebook./.