Bảo tàng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Tuy nhiên, để bảo tàng ngày càng hoạt động hiệu quả, nhiều đơn vị đã nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm thu hút khách du lịch tham quan.
Đây được cho là giải pháp tối ưu để bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh tự gỡ khó, tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc riêng.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về thực trạng bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản tại các bảo tàng sau dịch COVID-19 và hướng đi mới theo xu thế phát triển hiện đại của các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài 1: Lưu giữ các giá trị di sản
Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số lượng bảo tàng gắn với những chuyên đề, danh nhân văn hóa, chính trị. Bảo tàng không chỉ là biểu tượng của thành phố mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch.
Dấu ấn lịch sử
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 12 bảo tàng với các chức năng và nhóm ngành khác nhau bao gồm: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Y học cổ truyền, Bảo tàng lực lượng vũ trang vùng Đông Nam Bộ, Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Áo dài và Bảo tàng tranh 3D Artinus.
[Nhiều du khách quốc tế thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh]
Nhắc đến các địa điểm thu hút khách quốc tế đông nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, không thể không kể tới Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Được thành lập từ tháng 9/1975, với nhiều tên gọi khác nhau, ngày 4/7/1995, bảo tàng chính thức có tên gọi “Bảo tàng chứng tích chiến tranh.”
Kể từ đó đến nay, Bảo tàng chứng tích chiến tranh không ngừng hoàn thiện với những cuộc trưng bày thường niên, trưng bày ngắn ngày hoặc lưu động, cũng như tìm kiếm thu thập thêm hiện vật nhằm giúp công chúng có cái nhìn xác thực nhất về sự mất mát, hy sinh, tổn thất của Việt Nam qua các cuộc chiến tranh.
Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, mỗi ngày, Bảo tàng chứng tích chiến tranh đón khoảng 3.000 khách, trong đó hơn 70% là khách quốc tế. Bên cạnh đó, Bảo tàng chứng tích chiến tranh cũng là điểm đón nhiều đoàn học sinh của các trường tới tham quan, tìm hiểu.
Ban lãnh đạo Bảo tàng mong rằng nơi đây sẽ ngày càng thu hút du khách hơn để thế giới có cái nhìn rõ nét hơn về những gì mà dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam đã trải qua trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Là bảo tàng đầu tiên của khu vực phía Nam, từ năm 1929, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật, sách báo, tài liệu giá trị.
Bảo tàng còn là nơi trưng bày về mỹ thuật cổ của một số nước châu Á. Tòa nhà bảo tàng được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế tiếp nối vào công trình trước đó.
Các bảo vật quốc gia trên đều thuộc về nghệ thuật Hindu giáo, Phật giáo của nền văn hóa Văn hóa Phù Nam-Óc Eo và văn hóa Champa (thế kỷ 2-17) ở Nam bộ và Trung bộ Việt Nam.
Những hiện vật này góp phần lưu giữ giá trị về mặt văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tộc người cũng như làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Khi tham quan bảo tàng, du khách còn có cơ hội thưởng thức nghệ thuật múa rối nước đã xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước.
Cùng nhóm bạn tới tham quan, em Trương Nguyễn Mai Chi, sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ khi đến Bảo tàng Lịch sử Thành phố, em được trải nghiệm cảm giác đi dọc chiều dài lịch sử nước ta từ thời kỳ tiền sử đến thời nhà Nguyễn.
Qua những hiện vật, em và các bạn có cơ hội hiểu hơn về lịch sử Việt Nam từ những dấu tích đầu tiên về công cụ đá cổ của người Việt xưa tới vũ khí của các vua Hùng,… và thêm trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã góp công gìn giữ.
Đa dạng các sản phẩm di sản, văn hóa
Với sự áp đảo về số lượng, các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, di sản mà ít nơi có được, đồng thời nơi đây ngày càng hội tụ thêm các giá trị, sưu tầm các di sản, vật chứng rất giá trị.
Được xây dựng nhằm tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước và cũng để tôn vinh vai trò làm mẹ, người vợ và anh hùng chiến đấu của phụ nữ trong chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật và chia thành 24 bộ sưu tập.
Bên cạnh những bức tranh, hiện vật gắn liền với sự tận tụy của phụ nữ trong chiến tranh Việt Nam cùng 2 phòng mô tả hoạt động của những tấm gương như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định…
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn có 11 chủ đề được trưng bày gồm: Truyền thống phụ nữ miền Nam trước khi thành lập Đảng Cộng sản; Bác Hồ với phụ nữ miền Nam và phụ nữ miền Nam với Bác Hồ; Sự hình thành và phát triển của các tổ chức phụ nữ Việt Nam; Phụ nữ miền Nam sau ngày thống nhất đất nước; Phụ nữ miền Nam trong chính trị, quân đội, đối ngoại…
Nhằm đa dạng kho trưng bày, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tiếp nhận nhiều đợt hiện vật.
Tháng 8/2022 vừa qua, Bảo tàng mới tổ chức tiếp nhận các hiện vật do tập thể, cá nhân tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 tặng.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, cho rằng mỗi hiện vật tưởng chừng đơn giản lại ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động về tình người, những ký ức của một hành trình chông gai, đau thương, nhiều hy sinh, mất mát nhưng đầy tự hào của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hiện vật này đã được tập hợp hình thành chuyên đề mang tên “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19” ra mắt vào tháng 10/2022.
Tọa lạc tại thành phố Thủ Đức, Bảo tàng áo dài Việt Nam luôn là điểm đến thu hút được nhiều khách tham quan tới thưởng cảnh và tìm hiểu về áo dài qua các niên đại.
Bảo tàng áo dài Việt Nam đang lưu giữ được hơn 300 mẫu áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và cả những chiếc áo dài cách tân hiện đại ngày nay.
Ngoài ra, Bảo tàng Áo dài Việt Nam cũng tổ chức nhiều đợt tiếp nhận hiện vật là áo dài. Trong số đó, một số hiện vật là áo dài của các nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa có nhiều đóng góp cho xã hội…
Ngoài trưng bày áo dài, Bảo tàng còn là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng như giao lưu, trình diễn dân ca, ví giặm, quan họ, đờn ca tài tử… nhằm giúp khán giả, nhất là các bạn trẻ hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật dân tộc.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam, bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ áo dài trong quá khứ mà qua mỗi thời kỳ, áo dài Việt Nam luôn phát huy được giá trị và vẻ đẹp của người mang nó, truyền tải được những thông điệp ý nghĩa và là biểu tượng văn hóa lịch sử của dân tộc. Việt Nam tự hào là đất nước có nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc mang văn hóa của quê hương đến những nơi mình sinh sống, lan tỏa tới lớp trẻ để gìn giữ hồn thiêng, tâm tư, tình cảm của cha ông để lại không chỉ là trách nhiệm của mỗi nghệ nhân mà còn của mọi công dân nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Khẳng định vai trò quan trọng của bảo tàng trong đời sống hiện nay, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng từ hàng trăm năm nay, các bảo tàng đã là nơi hội tụ của di sản lịch sử, nghệ thuật. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa giáo dục có sức mạnh tiềm tàng, to lớn và ngày càng trở nên quan trọng, ý nghĩa hơn.
Thông qua các hoạt động tham quan, thông qua việc trưng bày hiện vật, ghi chú, hướng dẫn, thuyết minh… bảo tàng là nơi lưu giữ tổng hợp các giá trị di sản, nơi sưu tập di sản để trưng bày, truyền tải thông tin lịch sử, bản sắc dân tộc, lòng yêu nước đến với công chúng. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, lòng biết ơn với tổ tiên, cội nguồn./.
Bài cuối: Nỗ lực thay đổi để duy trì và phát huy giá trị di sản văn hóa