Nhà giáo, nhà thơ, tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng (hiện đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga) vừa ra mắt cuốn sách “Trăm năm cũng từ đây” tại Hà Nội.
Cuốn sách ghi lại những hồi ức của tác giả từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và quãng thời gian 15 năm ông giảng dạy tại đây.
Tràn ngập trong mỗi trang viết của ông là chân dung những người thầy đáng kính, những người đồng môn thân tình, những hình ảnh thân thương của một thời bom đạn, khu giảng đường mái lá, những bữa cơm đạm bạc. Những gương mặt nồng hậu được tác giả trân trọng tái hiện, qua đó ông gửi tình cảm chân thành đến các thầy, cô và các sinh viên văn khoa nhiều thế hệ.
Tác giả Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này để nhớ về khoa Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và những năm tháng trẻ trung của cuộc đời mình. Tôi được học các bậc thầy đáng kính nhất trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX; có được những người bạn đồng môn với bao phẩm chất tuyệt vời, ngày đang càng hiếm đi trước muôn vàn ‘cơn ba đào’ thế sự. Những sinh viên năm xưa tôi được đứng lớp, giờ đây nhiều người đã trở thành những nhà chuyên môn có tên tuổi, và không ít người có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực xã hội. Càng nghĩ lại, tôi cảm thấy đó là những điều vô cùng may mắn.”
Tác giả kể, khi ông viết cuốn sách, quá khứ như một cuốn phim thời sự cứ thế hiện ra. Ông gặp lại trong đó từng hình bóng thân quen, những kỷ niệm sâu lắng nhất về những nơi ông đã sống, về những người ông đã gặp, về những ấn tượng mãi mãi còn đọng lại trong tim.
[Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Về cùng nước Việt của ta!]
“Tôi không quên một ai trong số gần một trăm thầy giáo và cô giáo trong khoa văn, nhưng tôi chỉ viết về những thầy cô mà tôi có nhiều dịp tiếp xúc, gần gũi và hiểu biết nhất,” tác giả Nguyễn Huy Hoàng tâm sự.
Nói về tác giả Nguyễn Huy Hoàng, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Tình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học cho biết tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng là một người đặc biệt.
“Ông là cán bộ giảng dạy văn học Nga, có nhiều năm tu nghiệp tại nước Nga. Ông rất yêu nước Nga, nhưng hơn thế nữa, nơi đó còn ghi dấu một nỗi đau, xứng đáng gọi là ‘nỗi đau thế kỷ’. Năm 1993, Nguyễn Quỳnh Nga, cô con gái đầu vô cùng đáng yêu đáng quý của ông đã mất tích bí ẩn khi cháu mới 12 tuổi. Cho đến nay, gia đình ông vẫn chưa tìm thấy tung tích con mình,” tiến sỹ Phạm Văn Tình chia sẻ.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Tình cho rằng “Trăm năm cũng từ đây” lấy ý tứ từ “Truyện Kiều“, là một cuốn sách độc đáo, chan chứa tình cảm của tác giả với Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tất cả các chân dung đều được viết rất chân thực, sống động, đầy lòng nhân ái và đậm chất nhân văn.
“Tôi đã đọc một số tập thơ, văn, trước tác nghiên cứu, tác phẩm dịch của Nguyễn Huy Hoàng và cảm nhận được không biết bao nhiêu là tri thức, tình cảm. Có thể nói, ông là người rất uyên bác, ‘lão thực’, yêu đời và có cuộc sống nội tâm rất phong phú,” phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Tình nhận xét./.
Nhà thơ, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng đã có nhiều đóng góp vào công tác cộng đồng người Việt tại Nga và là một nhịp cầu kết nối văn học Nga và Việt Nam. Ông cũng là viện sỹ tại Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraine. Ông đã có nhiều tác phẩm đóng góp cho văn học nước nhà: “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX” (giáo trình), Đại học Tổng hợp, 1988; “Thi pháp truyện ngắn N. Gogol” (chuyên luận), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2001; “Đếm bước cuộc hành trình” (ký sự), Nhà xuất bản Lao động, 2012; “Mưu sinh” (truyện ký), Nhà xuất bản Hà Nội, 2006; “Ngoảnh lại” (thơ), Nhà xuất bản Văn học, 1995; “Phía bên kia trời” (thơ), Nhà xuất bản Văn học, 1999; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (chủ biên), dịch sang tiếng Nga, 2012; “Truyện Kiều” (chủ biên cùng Vũ Thế Khôi, A.Xocolov, Đoàn Tử Huyến, A.Popov), dịch sang tiếng Nga, 2015; “Gia tộc Tổng thống V.V.Putin” (cùng Nguyễn Văn Minh), dịch từ tiếng Nga, 2017; “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” (cùng Nguyễn Văn Minh), dịch từ tiếng Nga, 2020. |