Tờ MK (Hàn Quốc) cho rằng bóng đá Việt Nam có bước đi giống với bóng đá xứ Kim chi trong quá khứ.
Sau khi huấn luyện viên Guus Hiddink giúp tuyển Hàn Quốc giành vị trí thứ 4 tại World Cup 2002, bóng đá Hàn Quốc sau đó đã thất bại với huấn luyện viên người Bồ Đào Nha, Humberto Coelho.
Ông Coelho đã bị sa thải sau 14 tháng cầm quân và có những kết quả tệ hại như thua Oman tại vòng loại Asian Cup 2004 và hòa trước Maldives tại vòng loại World Cup 2006.
Sự phẫn nộ của các cổ động viên Hàn Quốc lên cao sau hàng loạt kết quả thất vọng của đội bóng xứ Kim chi. Để rồi sau đó, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc quyết định bổ nhiệm 3 huấn luyện viên người Hà Lan sau Hiddink là Jo Bonfrere, Dick Advocaat và Pim Verbeek trong giai đoạn từ 2004 đến 2007.
Trong đó, Jo Bonfrere giúp tuyển Hàn Quốc góp mặt ở World Cup 2006, tuy nhiên trước sự kỳ vọng quá lớn từ cổ động viên Hàn Quốc, huấn luyện viên này quyết định từ chức và Dick Advocaat được bổ nhiệm để thế chỗ ông.
Từ trường hợp của là Jo Bonfrere, Dick Advocaat và Pim Verbeek, có thể thấy Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã hy vọng những huấn luyện viên Hà Lan này có thể tái hiện được kỳ tích giống như người đồng hương Hiddink.
Mặc dù vậy, thành công quá lớn của Hiddink đã trở thành sức ép rất lớn về mặt thành tích đối với những huấn luyện viên đến sau.
Jo Bonfrere đã từ chức, trong khi Dick Advocaat và Pim Verbeek không thể mang lại thành quả như sự mong đợi của cổ động viên Hàn Quốc.
[Lịch trực tiếp U23 châu Á: Xác định hai đội đầu tiên vào bán kết]
Tờ MK sau đó so sánh trường hợp của huấn luyện viên Hiddink với huấn luyện viên Park Hang-seo: “Nếu Hàn Quốc có Hiddink thì Việt Nam có Park Hang-seo. Sẽ không quá lời nếu nói rằng huấn luyện viên Park giành được nhiều thành tích hơn Hiddink. Ông Park luân phiên làm việc với Đội tuyển quốc gia và đội U23 Việt Nam và cả hai đội bóng này đều giành được danh hiệu. Với huấn luyện viên Park, bóng đá Việt Nam đã lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng loại cuối World Cup và càn quét những danh hiệu ở các giải đấu khác nhau.”
“Gần đây, huấn luyện viên Park quyết định rời đội U23 Việt Nam và huấn luyện viên kế nhiệm là Gong Oh Kyun, cũng là một người Hàn Quốc. Trường hợp huấn luyện viên Gong Oh Kyun kế nhiệm huấn luyện viên Park cũng giống như việc Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc bổ nhiệm 3 huấn luyện viên người Hà Lan sau thời của Hiddink. Huấn luyện viên Gong từng thổ lộ rằng bản thân cảm thấy áp lực khi kế nhiệm huấn luyện viên Park và nếu không ứng phó được, ông có thể sẽ rơi vào trường hợp giống Jo Bonfrere,” tờ MK viết tiếp.
Tờ MK cho rằng dù đối mặt với áp lực nhưng huấn luyện viên Gong đã tạo ra bất ngờ với U23 Việt Nam.
“Huấn luyện viên Park cuối cùng đã rời đội U23 Việt Nam sau SEA Games 31, nơi ông giành chiếc huy chương vàng môn bóng đá nam thứ 2 liên tiếp. Trước đó, tại SEA Games 30, huấn luyện viên Park đã giúp bóng đá Việt Nam lần đầu tiên đoạt huy chương vàng tại kỳ đại hội thể thao khu vực. Đó là thành tích chói sáng của huấn luyện viên Park và cũng là lời chia tay hoàn hảo với nhà cầm quân người Hàn Quốc, nhưng nó trở thành áp lực vô hình đối với huấn luyện viên kế nhiệm Gong Oh Kyun,” tờ MK bình luận.
Tờ báo cũng bày tỏ hy vọng huấn luyện viên Gong sẽ tiếp nối kỳ tích của huấn luyện viên Park tại Vòng chung kết U23 châu Á: “Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, U23 Việt Nam lọt vào tứ kết U23 châu Á. Thật trùng hợp khi giải đấu này lại là điểm khởi đầu của ‘ma thuật Park Hang-seo’.”
Tại Vòng chung kết U23 châu Á 2018, huấn luyện viên Park sau khi nhậm chức đã giúp U23 Việt Nam góp mặt tại chung kết nhờ vào bản lĩnh và sự quyết tâm cao độ.
Thật tiếc khi U23 Việt Nam sau đó thua ở trận chung kết trong cơn mưa tuyết, nhưng huấn luyện viên Park đã đưa ra thông điệp nổi tiếng với các cầu thủ: “Tại sao chúng ta lại phải cúi đầu, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình mà.”
Câu nói của huấn luyện viên Park thật là ấn tượng và kể từ đó, ông đã trở thành nhà cầm quân bậc thầy.”/.