Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 28/11-3/12 tại thủ đô Rabat (Maroc), Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định công nhận văn hóa bánh mỳ (baguette) của Pháp và nghệ thuật múa mặt nạ (talchum) của Hàn Quốc là các di sản văn hóa phi vật thể.
Cụ thể, ngày 30/11, cơ quan của Liên hợp quốc đã nhất trí đưa “bí quyết thủ công và văn hóa bánh mỳ baguette” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể.
Baguette – loại bánh mỳ được làm từ hỗn hợp bột mỳ, nước, men và muối, đã trở thành biểu tượng hàng đầu của nước Pháp giống như Tháp Eiffel.
[UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm Chăm: Bảo tồn nghề thủ công độc đáo]
Mặc dù lượng tiêu thụ bánh mỳ đã giảm trong thập kỷ qua, Pháp vẫn cho “ra lò” khoảng 16 triệu chiếc/ngày, tương đương 6 tỷ chiếc/năm.
Nghị định năm 1993 của Chính phủ Pháp quy định rằng bánh mỳ baguette truyền thống chỉ được làm từ bốn thành phần gồm bột mỳ, nước, men và muối.
Quá trình lên men của bột nên kéo dài từ 15-20 giờ ở nhiệt độ từ 4-6 độ C.
Bên cạnh đó, UNESCO cũng quyết định đưa nghệ thuật múa mặt nạ của Hàn Quốc vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể.
Nghệ thuật talchum có nhiều điệu nhảy khác nhau tùy theo vùng miền. Hiện 13 điệu nhảy của các vùng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Múa mặt nạ talchum là một loại hình múa truyền thống khi đeo mặt nạ. Loại hình này là sự kết hợp giữa nhảy múa và diễn kịch.
Nghệ thuật này đại diện tiếng nói của công chúng thông qua biểu đạt trào phúng và châm biếm hài hước.
Màn biểu diễn sẽ thể hiện tính cách của các nhân vật trong vở kịch bằng những điệu múa.
Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO là các sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, nghệ thuật biểu diễn, thực hành xã hội, nghi lễ và phương pháp thủ công truyền thống./.