Chiều 25/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đề ra phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ IX (2022-2027).
Dự Hội nghị có Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các chư tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Ban Văn hóa Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ VIII (2017-2022), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục kiên trì, không ngừng cố gắng, giữ gìn, bảo vệ, phát triển Văn hóa Phật giáo Việt Nam; nâng cao chất lượng các hoạt động Phật sự ngày càng đi vào thực tế, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thống nhất với phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” và đạt được những thành tựu Phật sự quan trọng ở nhiều hoạt động, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Cụ thể, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hướng dẫn chương trình (MC); chung tay cùng đất nước phòng, chống đại dịch COVID-19…
Đặc biệt, Ban Văn hóa Trung ương là đã triển khai bài bản, khoa học Đề án “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc và Di sản”, đạt được kết quả những kết quả ban đầu quan trọng là xây dựng một số bài khóa tụng thống nhất và mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam.
[Đại lễ Phật đản: Trách nhiệm của mỗi người với nhân sinh và xã hội]
Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhấn mạnh, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn và sức sống Việt Nam; xây dựng lối ứng xử văn hóa trong quan hệ với đồng loại và với thế giới tự nhiên cho các thế hệ, tạo nên vẻ đẹp và bản sắc dân tộc; xây dựng mô hình Văn hóa Phật giáo; ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0…
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai hiệu quả các đề án văn hóa Phật giáo; tham gia tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại chùa Tam Chúc với những nội dung mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo dân tộc trong sự thống nhất, đa dạng; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, điền dã, khảo sát thực tiễn về văn hóa Phật giáo; thực hiện công tác từ thiện, nhân đạo với tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng; đóng góp 1,5 tỷ đồng và nhiều hàng hóa cho công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Trong nhiệm kỳ IX (2022-2027), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm như tiếp tục nghiên cứu, triển khai và phổ biến 4 đề án về pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc và di sản Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng; hoàn thiện các mẫu hoành phi, câu đối bằng tiếng Việt; thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản và Phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam; nghiên cứu, định hướng việc thờ cúng, hiếu hỉ cho các gia đình Phật tử tại gia và tang lễ với các sư trưởng, phụ mẫu các vị xuất gia theo văn hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam…
Sáng cùng ngày, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học “Kiến trúc Phật giáo,” tìm hiểu về những nét đặc trưng tiêu biểu trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam tại các vùng, miền, hệ phái Phật giáo; hướng tới việc định ra tiêu chí chung, đặc thù trong công tác tu bổ, tôn tạo, xây mới các ngôi chùa Phật giáo Việt Nam.
Tọa đàm là một trong những hoạt động do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn bị cho Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” sẽ được tổ chức trong thời gian tới./.