Trong năm 2022, điện ảnh Việt có nhiều phim thua lỗ nặng. Từ góc độ của giới chuyên môn, các chuyên gia cho rằng đây chính là hậu quả sau 2 năm thị trường bị ngưng trệ vì đại dịch.
“Xả kho” phim dở
Điện ảnh trong nước năm 2022 có nhiều phim dở, bị khán giả và giới chuyên môn “ném đá” nặng nề. Gần đây nhất, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 có ba phim “Cù lao xác sống,” “Virus cuồng loạn” và “Huyền sử vua Đinh” liên tục bị “réo” tên vì chất lượng kém.
Hai phim zombie “Cù lao xác sống” và “Virus cuồng loạn” bị “ném đá” vì có câu chuyện yếu, xây dựng hình tượng zombie quá ngô nghê, thậm chí gây hài hước, diễn xuất thiếu thuyết phục…
Phim “Huyền sử vua Đinh” bị chê vì lối làm phim minh họa, không có giá trị điện ảnh-nghệ thuật bởi diễn xuất và dàn cảnh chỉ mang tính mình họa cho nội dung, chưa kể phim có nhiều lỗi sơ đẳng khác như diễn viên nhập vai lịch sử nhưng lại để tóc nhuộm vàng, đỏ, trong khung hình đôi khi còn thấy cả cột điện, nhà bê tông…
Kết quả, “Cù lao xác sống” thu 12,7 tỷ đồng,“Virus cuồng loạn” thì đạt 157,2 triệu đồng. Sau gần một tuần ra mắt, “Huyền sử vua Đinh” cũng chỉ thu về khoảng 42 triệu đồng.
Trong năm qua, những tựa phim bị chê về chất lượng tương tự cũng liên tục xuất hiện, như “Mưu kế thượng lưu” (hơn 1 tỷ đồng), “Kẻ đào mồ” (538 triệu đồng), “Kẻ thứ ba” (962 triệu đồng)…
Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 26/11, Việt Nam có khoảng 21 phim đạt doanh thu dưới 10 tỷ đồng trên tổng số 34 phim đã ra mắt. Dù trong số đó có những phim có chất lượng được cả giới chuyên môn và khán giả công nhận như “Người lắng nghe” (2,2 tỷ đồng), “Maika – Cô bé từ hành tinh khác” (6,48 tỷ đồng) hay “Vô diện sát nhân” (4,7 tỷ đồng)… nhưng nhìn chung, tình trạng phim dở chiếm đa số cũng khiến các nhà làm phim kẹt trong không khí tiêu cực.
“Điều tôi buồn nhất là năm nay bị coi như ‘năm xả kho,’’’ đạo diễn Võ Thanh Hòa (“Nghề siêu dễ,” “Chìa khóa trăm tỷ”) diễn giải tình hình.
“Do dịch bệnh nên nhiều phim đã phải ngưng sản xuất 2-3 năm. Những dự án được làm kỹ lưỡng, cẩn thận đã tạm ngừng. Thành ra năm nay chỉ toàn phim yếu, vốn từng không được chọn chiếu trước đây nhưng nay lại được phát hành. Những phim như ‘Huyền sử vua Đinh,’ ‘Virus cuồng loạn’ hay ‘Cù lao xác sống’ đều không có chút chất lượng điện ảnh nào,” ông nói.
Theo đạo diễn này, phim được “xả kho” là những phim “ăn xổi” làm nhanh, kinh phí thấp, chất lượng kém đã bị dồn lại từ những năm trước. Đến năm nay, do các nhà phát hành cần tiền nuôi bộ máy, nuôi nhân viên nên cứ phim nào có kinh phí để phát hành thì đều được cho ra rạp.
Bỏ tiền ra rạp để phải xem phim chất lượng kém, khán giả không ngừng chê bai. “Tất cả dẫn đến thực tế rất đau lòng là năm nay ‘phim Việt’ đi liền với một cảm giác rất tiêu cực,” ông Võ Thanh Hòa nhận xét.
Bài toán kiếm lời từ phim hạng “xoàng” của nhà rạp
Về việc phim Việt thua lỗ nhiều trong năm 2022, nhà sản xuất, biên kịch Kay Nguyễn xác nhận tình trạng thiếu phim tốt, dư phim tệ tại các nhà rạp.
“2022 là năm sau dịch, nếu là nhà rạp thì tôi cũng rất ‘oải’ vì không có phim tử tế để chiếu. Nhìn chung trong và sau dịch, tình hình thị trường đều rất bất bình thường, khó có thể lấy doanh số chiếu rạp để đánh giá chất lượng của phim bởi nó còn bị các nhà rạp co kéo suất chiếu một cách rất cơ học để kiếm lời,” bà Kay nhận xét.
Như vậy, cứ phim nào có khả năng kiếm lời hơn cả sẽ được ưu tiên nhiều suất chiếu đẹp, còn những phim ít khả năng kiếm tiền hơn thì sẽ bị ép suất, ép giờ. Bà Kay chỉ ra chính tình trạng này đã xảy ra trong dịch, cụ thể như với năm 2021, đã khiến hai phim “Cậu Vàng,” “Kiều” (2021) có doanh thu bết bát.
“Dù phim chưa tốt, nhưng doanh thu của chúng đã có thể cao hơn nếu các suất chiếu được phân chia công bằng,” nhà sản xuất này nhận định. Hiện, nhà sản xuất của “Huyền sử vua Đinh” cho biết cũng đang bị nhà rạp ép suất chiếu.
Ngoài ra theo bà Kay, trong năm qua, các nhà rạp còn phải tìm cách kiếm lời những tựa phim nước ngoài hạng B, hạng C (hạng A là cao nhất). Ngược lại, các nhà làm phim kinh phí thấp cũng kỳ vọng được chiếu rạp để phim có lợi nhuận.
“Nhà rạp có thể chỉ phải bỏ ra 10.000-15.000 USD cho những phim hạng B, C ở nước ngoài là đã có thể thu về 1 đến 2 tỷ đồng. Như vậy là lời hơn rất nhiều. Hay cũng có những phim đáng nhẽ chỉ dành cho YouTube, phim sê-ri nhiều tập cũng bị cắt xén để rồi chắp vá lại một cách lem nhem, tiếng không khớp hình, không có âm thanh, nhạc… trở thành một phim dài đem đi chiếu rạp. Đơn cử như trường hợp của ‘Cù lao xác sống’ vẫn được 11-12 tỷ đồng. Bình thường phim điện ảnh Việt có vốn đầu tư trung bình trên 20 tỷ đồng thì 11 hay 12 tỷ là lỗ. Nhưng với phim làm cho YouTube thì kinh phí chỉ 1 đến 2 tỷ, nếu đạt được 11-12 tỷ lại trở thành có lời,” nhà sản xuất-biên kịch này nhận định.
[Doanh thu phòng vé của Hollywood thấp nhất gần 40 năm vì COVID-19]
Tình trạng thiếu phim, theo bà Kay Nguyễn, còn thể hiện ở việc CGV phải chiếu lại cả loạt phim cũ như “Chúa tể của những chiếc nhẫn” hay “Harry Potter.”
Năm nay thị trường điện ảnh Việt Nam không có nhiều các tên tuổi kỳ cựu gia nhập cuộc đua làm phim. Người quan sát điện ảnh nhận định các nhà làm phim và đơn vị sản xuất này cần một sự chắc chắn sau khi tình hình dịch đã ổn định, chứ không muốn vội vàng như trong các năm 2020, 2021. Vì vậy có khả năng họ chỉ mới khởi động dự án từ đầu năm nay và đến đầu năm 2023 mới tái xuất, công bố dự án cùng ngày ra rạp.
“Đây là thời kỳ khó khăn chung,” đạo diễn Bảo Nhân của loạt phim “Gái già lắm chiêu” khẳng định. Ông chia sẻ: “Khi quyết định ra mắt “Cô gái từ quá khứ” trong giai đoạn này, cả nhà sản xuất và nhà phát hành đều xác định doanh thu toàn ngành có xu hướng giảm đến 50% so với cùng kì năm trước dịch.”
Với 53 tỷ đồng doanh thu cho bộ phim, đạo diễn Bảo Nhân cho biết đã hài lòng với những thành quả nhỏ này, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn chung của ngành phim ảnh không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới./.