Lần đầu tiên, một vở nhạc kịch về đề tài gia đình, về tâm sinh lý của lứa tuổi dậy thì được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và ra mắt công chúng, vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” với những câu chuyện của các cô bé, cậu bé đang độ tuổi “sớm nắng chiều mưa” như một sự cảnh báo đến với các bậc cha mẹ trong việc quan tâm, chăm sóc con cái, đặc biệt khi trẻ đang trong độ tuổi mới lớn.
Vở diễn được công diễn chính thức từ tối 24/9/2022, tại Nhà hát Tuổi trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).
Vở nhạc kịch đầu tiên cho tuổi mới lớn
“Rồi tôi sẽ lớn” do nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú viết kịch bản, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết đạo diễn, khai thác tâm lý, tình cảm, ước mơ và cả những mâu thuẫn đời sống của những người trẻ ở trong gia đình, trên ghế nhà trường và cả bên ngoài xã hội.
Nội dung vở diễn xoay quanh câu chuyện về 3 đứa trẻ mới lớn trong 3 gia đình với 3 hoàn cảnh khác nhau. Đó là Bách, cậu bé 13 tuổi ước mơ làm streamer nhưng bị mẹ la mắng rồi vùng vằng bỏ nhà đi. Là cô bé Hà ngột ngạt trước sự chăm sóc quá mức của mẹ và tức tối vì mẹ đọc trộm nhật ký, cùng với nỗi thất vọng khi phát hiện ra người bố mình vẫn kính trọng lại có người khác bên ngoài nên cũng bỏ chạy khỏi nhà. Còn Phi thích học nhạc nhưng lại bị bố áp đặt, buộc phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi âm nhạc của mình…
Mỗi đứa trẻ đều có tâm sự, có mong muốn riêng, tuy nhiên, cha mẹ hoặc là không có thời gian trò chuyện cùng con nên không hiểu, hoặc là không đồng tình với quyết định, mong muốn của con mà áp đặt… dẫn đến những va chạm, mâu thuẫn xảy ra trong gia đình, rồi con cái bỏ nhà lang thang, cha mẹ hoảng hốt đi tìm…
Xem vở kịch, không ít khán giả, cả trẻ em và người lớn sẽ thấy những câu chuyện được kể trong vở kịch, chính là những câu chuyện thực tế đang xảy ra trong nhiều gia đình hiện nay, như tâm lý so sánh kiểu “con nhà người ta”, hay chuyện ép các con chỉ cần học giỏi các môn tự nhiên, không ủng hộ con đi theo nghệ thuật…
Với những bản nhạc, những bài hát, điệu nhảy trẻ trung hiện đại được các bạn trẻ yêu thích, sân khấu đầy màu sắc và những câu chuyện gần gũi, thân quen thường nhật… vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” chinh phục được khán giả, đặc biệt là lứa tuổi học sinh bằng các yếu tố mới mẻ, hiện đại, những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống học đường hôm nay một cách chân thực và sinh động…
Không chỉ dành riêng cho đối tượng khán giả trẻ, cho lứa tuổi mới lớn, vở diễn còn hướng đến các bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình với thông điệp: Hãy học hiểu con rồi mới biết cách thương con, đừng chỉ thương con mà không hiểu chúng, đừng để con trưởng thành trong đơn độc…
Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết, đạo diễn vở nhạc kịch chia sẻ, lâu nay, các tác phẩm sân khấu dành cho lứa tuổi Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dường như còn quá ít ỏi, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật của tuổi trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học trò, các em cũng vì thế không có thói quen đến rạp hát, thay vào đó là smartphone, mạng xã hội và những hình thức giải trí đôi khi không phù hợp với lứa tuổi…
Khi xây dựng vở nhạc kịch này, tiêu chí đầu tiên êkíp đặt ra là làm thế nào để các bạn trẻ phải thích xem, bằng cách gắn vào chuyện kịch những yếu tố “thời thượng” nhất của lứa tuổi này, những màn vũ đạo, những ca khúc đang được lứa tuổi này yêu thích và cuộc sống học đường, để khi xem, các em sẽ thấy mình trong đó. Sau đó mới đến những ẩn dụ dành cho cha mẹ, là sáng tạo của những cái bóng – ẩn dụ về con người bên trong, là tiếng lòng của nhân vật…
Góp phần giải mã tâm lý trẻ vị thành niên
Tác giả kịch bản, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú được nhiều người trẻ nhớ đến với bút danh “anh Chánh Văn”, là chuyên gia tâm lý, khách mời quen thuộc tư vấn các chủ đề học đường, dạy con và gia đình…
Nói về kịch bản “Rồi tôi sẽ lớn“, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, tuổi dậy thì (từ 9-16 tuổi) luôn là một đề tài nói mãi không hết chuyện, bởi đó là khoảng thời gian nhạy cảm vô cùng với mỗi đứa trẻ. Từ những thay đổi về sinh lý sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Mỗi đứa trẻ đều trải qua quá trình lột xác như loài sâu bướm. Có rất nhiều những đứa trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ chúng không quan tâm đến chúng mà là cha mẹ không hiểu con.
[Nhạc kịch ‘Những người khốn khổ’ tiếp tục lên sân khấu Nhà hát Lớn]
Những năm gần đây, các trường học đều hay tổ chức các tọa đàm liên quan đến khủng hoảng tâm lý tuổi dậy không chỉ dành cho các con, còn dành cho các phụ huynh. Bởi, con khủng hoảng tâm lý một, cha mẹ khủng hoảng tâm lý mười. Nỗ lực hiểu con nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được, vì chính bản thân bọn trẻ cũng không hiểu nổi bản thân của chúng. Đó cũng là lý do khiến mối quan hệ cha mẹ con cái bị đứt gãy khi con bước vào tuổi dậy thì…
Vở diễn “Rồi tôi sẽ lớn” chính là chiếc chìa khóa, mối hàn vết đứt gãy đó, bởi lũ trẻ xem để mở lòng ra với cha mẹ, cha mẹ xem để xích lại gần con hơn. Nhìn cây sửa đất – nhìn con sửa mình. Xem kịch để chữa lành những thương tổn trong con cũng như trong chính mỗi bậc cha mẹ. Thông điệp của vở nhạc kịch hướng tới là hóa giải những mâu thuẫn giữa cha mẹ- con cái ở giai đoạn tuổi dậy thì của con. Không chỉ giúp cha mẹ hiểu những biến động tâm lý của con, còn giúp chính các con thấu hiểu lòng cha mẹ.
Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, những câu chuyện trong vở nhạc kịch này chính là từ những lá thư mà học trò gửi về cho anh và cả tâm sự của nhiều cha mẹ. Anh mong muốn vở nhạc kịch này sẽ không chỉ nằm lại trên sân khấu của Nhà hát Tuổi Trẻ, nó sẽ được lan tỏa đến các trường học, trở thành giáo cụ giúp các trường học dùng nó cho các bậc phụ huynh xem và chính các em xem…
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sỹ Ưu tú Sĩ Tiến chia sẻ, lâu nay một bộ phận không nhỏ người làm cha làm mẹ đã nghĩ thay con, ước mơ thay con, luôn tạo áp lực nên đã đẩy các con ngày càng xa mình… “Nhìn con để sửa mình” là điều người lớn tự nhủ khi thực sự lắng nghe điều con trẻ muốn nói. Cách chữa lành những khủng hoảng, tổn thương của con trẻ và cả người lớn có lẽ chỉ có thể thực hiện được khi có sự cảm thông từ cả hai phía, đó là cha mẹ và con cái đều cần lắng nghe, cảm thông lẫn nhau.
Nghệ sỹ Ưu tú Sĩ Tiến hy vọng, vở kịch “Rồi tôi sẽ lớn” sẽ góp một phần nhỏ vào việc “giải mã” tâm lý trẻ vị thành niên, giải mã những câu hỏi hóc búa trong việc khám phá lứa tuổi đầy “biến động” trên hành trình trưởng thành thông qua nghệ thuật./.