Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch COVID-19, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải hạn chế tụ tập đông người để đảm bảo quy định phòng, chống dịch, năm nay, tiếp sau Đại lễ Phật đản, lễ Vu Lan Phật lịch 2566-Dương lịch 2022 đã trở lại trong niềm vui chung của mọi người.
Vu Lan – mùa báo hiếu, không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ của những người con Phật mà đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Xuất phát từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiều Liên, đệ tử xuất chúng của đức Phật đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành, dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên.
Đây cũng là dịp bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc.
Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là ngày lễ lớn trong đạo Phật. Tổ chức Đại lễ Vu Lan hằng năm là một trong các pháp môn thực hành hạnh nguyện tri ân, báo ân, báo hiếu của tăng, ni, tín đồ, cư sỹ Phật tử noi theo đức hạnh của Ngài Mục Kiền Liên trong kinh điển Phật giáo.
[Đa dạng các sản phẩm phục vụ dịp lễ cúng Rằm tháng Bảy]
Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hình thành lễ hội Vu Lan-báo hiếu.
Mùa Vu Lan-báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu, đồng thời cũng là thời gian tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng dân tộc, anh linh Anh hùng liệt sỹ, tổ tiên, cửu huyền thất tổ của các gia đình trong toàn xã hội.
Những ngày này, nhiều gia đình người Việt thường sửa soạn mâm cơm dâng lên tổ tiên, chuẩn bị lễ vật cúng chúng sinh và lên chùa thành kính dâng hương, tham gia khóa lễ.
Nhằm tổ chức trang nghiêm Đại lễ Vu Lan-báo hiếu, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho đồng bào Phật tử và nhân dân, trong Thông bạch về Đại lễ Vu Lan-báo hiếu Phật lịch 2566, dương lịch 2022, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở tự viện trong công tác tổ chức Đại lễ Vu Lan-báo hiếu.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn lưu ý tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống; không đốt nhiều vàng mã.
“Nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ,” Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý.
Ghi nhận tại một số chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy một tuần trước Rằm tháng Bảy, không khí đón Vu Lan đã nhộn nhịp, tấp nập với các hoạt động tụng kinh Vu Lan, kinh Báo hiếu Phụ mẫu, cầu siêu; thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan-báo hiếu, cùng các nghi thức bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của cha mẹ, thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh Anh hùng liệt sỹ, cửu huyền thất tổ.
Tại chùa Bà Đá, trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Nội, các khóa lễ được tổ chức từ ngày 12 đến ngày Rằm tháng Bảy với lượng người tham gia không quá đông.
Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm, thanh tịnh trong khói hương trầm ấm, không có hiện tượng đốt vàng mã. Thời gian làm lễ chỉ diễn ra trong khoảng một tiếng, đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Sau khóa lễ, mỗi người ra về đều cảm thấy thư thái trong lòng./.