Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long xây dựng từ năm 2010, đến năm 2012 chính thức khánh thành.
Qua 10 năm hoạt động, nơi đây được người dân gọi với cái tên bình dị, gần gũi là “Vườn ông Sáu Dân.”
Với lối thiết kế dung hòa giữa tính chất trang trọng, thành kính, sâu lắng cần có và không gian mở thân thiện, khu lưu niệm không chỉ là nơi để nhiều thế hệ về đây thắp hương, tưởng nhớ công lao và đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mà còn như một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhiều du khách, người dân địa phương, đúng như nguyện vọng của Thủ tướng lúc sinh thời.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết về Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt – nơi lưu dấu những đóng góp của Thủ tướng và cũng là nơi để thế hệ hôm nay thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với một nhà lãnh đạo luôn vì nước vì dân.
Bài 1: Không gian mở tưởng nhớ vị Thủ tướng gần dân
Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là công trình văn hóa được xây dựng để tưởng nhớ đến công ơn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây vừa là nơi thể hiện sự thành kính đối với Thủ tướng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân, nơi mà khách du lịch trên mọi miền Tổ quốc có thể đến tham quan và bày tỏ sự tôn kính, tri ân đối với một nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.
Tri ân Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tọa lạc tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng với các công trình Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn-Nguyễn Giao, bia Nam Kỳ khởi nghĩa đã tạo nên tổng thể không gian văn hóa đặc biệt cho quê hương Vũng Liêm. Nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến tỉnh Vĩnh Long.
Điểm ấn tượng đầu tiên của Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt là không xây hàng rào mà không gian được thiết kế thành một khu vườn Nam Bộ với thảm cỏ, cây xanh, tiểu cảnh gần gũi và tạo cảm giác rộng mở, chào đón mọi người dân.
Bên trong là không gian tưởng niệm trang trọng với khu thờ, nhà trưng bày, nhà làm việc. Nơi đây cũng bố trí một khoảng sân vườn được bao phủ bởi khóm trúc, hàng dừa, cây sa kê… thật bình dị.
Đặc biệt, khuôn viên khu lưu niệm đã được mở rộng ra với một khu vườn Nam Bộ có đủ cây trái như bưởi, măng cụt, sơ ri… Đây là một công trình văn hóa với không gian mở, thân thiện, gần gũi, vừa thể hiện tính chất trang trọng, thành kính, vừa là nơi để người dân địa phương đến tham quan, vui chơi hằng ngày, phù hợp với ý nguyện của Thủ tướng lúc sinh thời.
[Nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn đối với đất nước, với nhân dân]
Là một trong những người trực tiếp tham gia thiết kế Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất – Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam dành tâm huyết và sự kính trọng đặt vào công trình này như một sự tri ân sâu sắc trước nhà lãnh đạo tài ba, người mà ông kính trọng như một người cha.
Ông Nguyễn Văn Tất chia sẻ: “Lúc sinh thời, chú Sáu (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) hay bày tỏ mong muốn khi chú mất đi và có được sự tri ân của những thế hệ sau bằng một nơi để tưởng nhớ thì đó sẽ là nơi chia sẻ niềm vui với người dân vào mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối, chứ không phải là nơi thờ tự một cách trang trọng nhưng vắng người đến. Công trình Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đời đến nay đã đúng như tâm ý của chú Sáu. Đây thực sự là một khu vườn với không gian mở, không có cổng hay tường rào ngăn cách để người dân có thể đến đây như đến chính ngôi nhà, khu vườn của mình.”
Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, điều băn khoăn lúc thực hiện công trình là làm sao để giữ gìn “không gian mở” này và thực tế 10 năm hoạt động, “Vườn ông Sáu Dân” vẫn luôn giữ được sự trang trọng vốn có nhưng cũng rất bình dị và gần gũi. Khuôn viên nhà trưng bày, nhà thắp hương luôn được giữ gìn trang trọng. Chan hòa trong tổng thể khu lưu niệm là hệ thống cây xanh, những thảm cỏ… tạo nên không gian gần gũi.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết: “Trong những lần về thăm Vĩnh Long, qua trao đổi với người thân và cộng sự, ai cũng biết đồng chí Võ Văn Kiệt không thích giành phần lớn công trạng về mình. Đồng chí chỉ nuôi hoài bão về việc xây dựng một địa chỉ văn hóa giáo dục lịch sử truyền thống trên quê hương Vũng Liêm. Thực hiện di nguyện đó, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long xây dựng để tri ân những đóng góp to lớn của Thủ tướng đối với quê hương, đất nước. Nơi đây thời gian qua đã thực sự là ‘địa chỉ đỏ,’ nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.”
Năm 2022, tỉnh Vĩnh Long vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia đối với Khu lưu niệm đồng chí Võ Văn Kiệt. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của tỉnh, từ đó là động lực để địa phương tiếp tục nỗ lực để bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích này, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Câu chuyện kể sinh động về Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt, vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp với thân nhân Thủ tướng khánh thành khu trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” ngay trong khuôn viên khu lưu niệm.
Trong khoảng thời gian ngắn, thân nhân gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhóm nghiên cứu gồm những chuyên gia hàng đầu về bảo tàng học Việt Nam, các kiến trúc sư, họa sỹ… đã dành nhiều tâm huyết, đầu tư thời gian, công sức và kinh phí cùng với tỉnh Vĩnh Long để thực hiện khu trưng bày này.
Với thông điệp “Sáu Dân – nhà cách mạng, nhà lãnh đạo mang cốt cách Nam Bộ, suốt đời vì dân, vì nước, có tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh kiên cường, đổi mới, sáng tạo,” “Vườn ông Sáu Dân” đã kể một câu chuyện dài trong hành trình sống và hoạt động cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những dấu ấn sâu đậm đã để lại cho thế hệ mai sau.
“Vườn ông Sáu Dân” được trưng bày theo từng chủ đề riêng biệt như: Dạ tôi là Sáu Dân; Nghe ngược, nghe xuôi; Xé rào; Đột phá; Văn hóa; Tương lai thuộc về giới trẻ; Một đời người, một rừng cây; Nụ cười Sáu Dân.
Hòa quyện trong đó là một dòng chảy về một đời người mang tên Sáu Dân. Phương pháp tiếp cận hiện đại, quan tâm đến những câu chuyện, dòng chảy tư duy và hành động cùng nghệ thuật sử dụng giọng nói của chủ thể là chính, kết hợp với câu chuyện của những người trong cuộc để tạo chiều sâu… đã giúp người xem trở về với lịch sử hòa mình và hiểu hơn về bác Sáu Dân với những câu nói, chủ trương lớn.
Phó Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Vườn ông sáu Dân” trưng bày trong một không gian không lớn nhưng đã cô đọng, kết tinh được nhiều tư liệu, hiện vật và đã kể một câu chuyện về con người của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tâm thức luôn vì dân vì nước, luôn đột phá để tìm ra cái mới, con đường mới.
Đặc biệt, những người làm trưng bày đã lựa chọn được những điểm nhấn và những đóng góp nổi bật của Thủ tướng trong từng chặng đường đời. Mỗi câu chuyện, tư liệu được thể hiện qua nhiều hình thức, từ những lời trích dẫn, những ý kiến của những người đương thời, người trong cuộc, sử dụng hệ thống tai nghe âm thanh, hệ thống hình ảnh, phỏng vấn… sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn và khai thác được nhiều khía cạnh từ cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đến tham quan khu trưng bày chuyên đề “Vườn ông Sáu Dân,” anh Trần Văn Chinh, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm xúc động khi được xem hình ảnh, nghe giọng nói và hiểu hơn về những đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với đất nước, với tỉnh Vĩnh Long và quê hương Vũng Liêm.
Anh Trần Văn Chinh chia sẻ: “Bước vào khu trưng bày ‘Vườn bác Sáu Dân,’ tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ, nhất là hình ảnh của bác Sáu gần gũi với người dân, luôn có lối sống hòa đồng, giản dị nên được người dân yêu mến. Là thế hệ đi sau, bản thân tôi nguyện học tập theo tấm gương, đạo đức, phong cách của bác Sáu để đóng góp cho quê hương đất nước.”
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu thông tin nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngành đã tập trung chỉnh trang trùng tu lại khu lưu niệm, đồng thời phối hợp gia đình thực hiện việc trưng bày lại thân thế sự nghiệp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Để có được trưng này, gia đình Thủ tướng và các chuyên gia đã tích cực đóng góp, dùng hết tâm sức sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh, những bài viết… làm phong phú thêm cho không gian trưng bày.
Với hình thức thể hiện mới, những nội dung được chọn lọc, hy vọng đây sẽ là không gian văn hóa độc đáo, thu hút đông đảo khách đến tham quan và phục vụ tốt hơn cho công tác tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp đồng chí Võ Văn Kiệt, góp phần giáo dục thế hệ hôm nay./.