Sáng 27/2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), trực tuyến tới 63 điểm cầu ở các địa phương.
Đến dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh từ yêu cầu thực hiện ba nguyên tắc “dân tộc hóa”; “đại chúng hóa”; “khoa học hóa” trong cuộc vận động văn hoá thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ðảng ta đã bổ sung, phát triển thành những thuộc tính “nhân dân,” “nhân văn” và “dân chủ,” góp phần xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ lớn, phức tạp trong thực tiễn phát triển văn hóa, con người hôm nay, như mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa xây và chống, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, giữa tính truyền thống và tính hiện đại, giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.
“Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế,” ông Nguyễn Xuân Thắng nêu vấn đề.
[Chương trình “Đề cương văn hóa Việt Nam-Những dấu ấn lịch sử”]
Trên cơ sở đó, ông Lê Xuân Thắng cho biết hội thảo nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, với hai nội dung chính là: “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa, con người Việt Nam-Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.”
Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về vấn đề tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hóa phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định rằng đầu tư cho văn hóa một cách khoa học, hợp lý, chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước.
“Đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một nền văn hóa mới có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm thế giới”, ông Hùng nói.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp cải thiện thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành như: Bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; có chính sách phù hợp tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.
Ngoài ra, ông Hùng cũng nêu kiến nghị liên quan đến việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa, hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật./.