Trưng bày “Cung trầm tháng 7” diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) ngày 20/7, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022) đã kể lại những câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sỹ cách mạng yêu nước khi bị địch bắt giam trong ngục Hỏa Lò.
Trưng bày do Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức đã góp phần thắp lên ngọn lửa tri ân các anh hùng, liệt sỹ và các cựu tù chính trị năm xưa.
Trưng bày khắc họa những câu chuyện về gương hy sinh của các chiến sỹ yêu nước khi bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ XX.
Trước những trận đòn tra tấn thấu xương hay khi cái chết cận kề, người chiến sỹ vẫn không hề run sợ. Hàng nghìn chiến sỹ bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò đã kiên cường giữ vững sự trung kiên, lý tưởng chiến đấu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Sự hy sinh của các chiến sỹ đã thể hiện lòng yêu nước, khát vọng độc lập cháy bỏng cho chiến thắng, độc lập của dân tộc Việt Nam.
Trong ngày khai mạc trưng bày, nhiều nhân chứng lịch sử đã đến tham dự, xúc động nhớ lại những ngày tháng bị giam cầm, tra tấn nhưng vẫn một lòng trung thành với cách mạng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà lao Hỏa Lò kể lại, ông bị bắt vào Nhà tù Hỏa Lò vì tham gia chỉ huy đợt cướp tù nhân ở Nhà thương Phủ Doãn.
Dù việc cướp tù thành công nhưng sau đó quân Pháp bắt được và tra tấn ông rất dã man. Chúng vừa dùng đòn đánh bằng điện, dùng vũ lực, vừa dụ dỗ quy phục chính quyền Pháp, từ việc mời ăn để giữ thân thể, lấy gia đình để thuyết phục nhưng ông quyết không khai. Bị địch tra tấn chết đi sống lại nhiều lần nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng và Tổ quốc.
[Tái hiện khúc tráng ca hào hùng ‘Lời thề quyết tử tại Nhà tù Hỏa Lò]
Ông chia sẻ: “Nhà tù được ví như địa ngục trần gian, đời sống gian khổ, bị tra tấn dã man nhưng lý tưởng đấu tranh giải phóng đất nước đã giúp cho các chiến sĩ cộng sản vượt qua. Mục đích của địch tra tấn để các chiến sĩ chết dần chết mòn và làm thui chột tư tưởng cách mạng nhưng chúng tôi đã đấu tranh, biến nhà tù thành trường học cách mạng, vừa dạy chính trị, vừa dạy văn hóa cho những người không biết chữ để hun đúc thêm lý tưởng cho mọi người.”
Còn cựu tù chính trị Hoàng Quân Tạo kể, ông tham gia hoạt động trong nội thành từ năm 1949, đến năm 1952 bị địch bắt khi đang làm Tổ trưởng Tổ tán phát tài liệu thuộc Ban Công vận nội thành Hà Nội. Thời điểm đó, vào thứ Bảy, ông nhận tài liệu từ vùng tự do chuyển vào nội thành thì bị địch mai phục bắt cùng người vợ chưa cưới của ông. Địch ra sức dụ dỗ cho ông làm công chức trong Sài Gòn hoặc cho sang Pháp du học. Không thuyết phục được. chúng quay ra tra tấn ông bằng các đòn dã man.
Đỉnh điểm, chúng đưa người vợ chưa cưới đến tra tấn trước mặt ông khiến ông phản kháng quyết liệt, sau đó ông bị địch tiếp tục tra tấn đến ngất đi. Tuy vậy, trong cùng buồng giam, ông được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu từ những người đồng chí của mình. Vượt lên tất cả ông đã cũng các chiến sỹ cộng sản quyết tâm chiến đấu cùng kẻ thù, đến sau Hiệp định Geneva 1954 ông được tha. Từ đó, ông tiếp tục công tác, cống hiến sức lực cho việc tái thiết, xây dựng đất nước.
Tại lễ trưng bày, một trong những điểm nhấn hấp dẫn là hoạt cảnh về cuộc đấu tranh đòi tăng lượng nước sinh hoạt của các tù chính trị cạnh nhà tắm tập thể được phục dựng và hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò.
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/10/2022 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò./.