Ngày 23/8, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhà giáo-nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung ra mắt cuốn sách song ngữ Việt-Anh nhan đề “Triển lãm: Theo dấu chân Đại tướng” với lòng tri ân và ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cuốn sách gồm 110 bài thơ-diễn ca về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng hàng trăm bức ảnh minh hoạ của Thông tấn xã Việt Nam, nhiếp ảnh gia Trần Hồng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và của chính tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Tác phẩm tái hiện dấu mốc chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng như chân dung vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua những vần thơ-diễn ca chan chứa tình cảm.
Đây là sự tiếp nối mạch cảm xúc của triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” diễn ra ngày 21/12/2021 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, triển lãm tiếp tục được tổ chức tại Điện Biên vào ngày 13/3/2022.
[Triển lãm chuyên đề ‘Theo dấu chân Đại tướng” tại Điện Biên]
Từ thành công của triển lãm, nhà giáo-nhà thơ Mỹ Dung nghĩ đến việc thực hiện cuốn sách song ngữ để thế hệ sau, đặc biệt là độc giả quốc tế, hiểu hơn về một nhân vật lịch sử từng được giáo sư Vũ Khiêu ví như “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm” của Việt Nam.
Giống như triển lãm, cuốn sách cũng gồm 3 chủ đề “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ,” “Vị tướng trong lòng dân” và “Sáng mãi ngàn năm.” Ngoài ra, sách còn bao gồm một số hình ảnh tại triển lãm cùng lưu bút của khách tham quan.
Chủ đề 1 tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông qua những bài thơ, những lời diễn ca mộc mạc giản dị của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung, từng đối sách chiến đấu, trận chiến cam go gắn với những địa danh huyền thoại như đồi A1, cánh đồng Mường Thanh hay hầm Đờ Cát hiện lên một cách sinh động và oai hùng.
Chủ đề 2 giới thiệu những khoảnh khắc đời thường dung giữa đời thường của Đại tướng, đúng như cái tên “Vị tướng trong lòng dân” mà tác giả lựa chọn. Qua đây, bạn đọc sẽ được hiểu hơn về một nhà quân sự lỗi lạc nhưng mang đậm cốt cách anh lính Cụ Hồ: Giản dị, an nhiên, ấm áp bên gia đình, người thân đồng thời cũng lãng mạn, bay bổng như một người nghệ sỹ.
Chủ đề 3 với tên gọi “Sáng mãi ngàn năm” khẳng định tình yêu, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được thể hiện một cách xúc động qua những vần thơ tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình.
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Minh Trí (Hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội) cho rằng điểm đặc sắc trong cuốn sách chính là những bài thơ được sắp xếp rất khoa học theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề đều gắn liền với những dấu ấn lịch sử, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Bùi Minh Trí trích dẫn bài thơ “Bữa cơm gia đình của đại tướng” với những câu thơ như “Cao lương mỹ vị có gì đâu/ Chỉ miếng cá kho với đĩa rau/ Quả trứng luộc còn nguyên trong đọi/ Vợ chồng Đại tướng mải nhìn nhau!”
“Là tổng tư lệnh toàn quân nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ nếp nhà, sống một cuộc đời giản dị thanh bạch. Tôi nghe lời thơ diễn tả bữa cơm gia đình của Đại tướng mà lòng thấy xúc động nghẹn ngào,” ông Trí chia sẻ./.
Nhà giáo-nhà báo-nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 trong một gia đình trí thức. Bà theo học khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh. Sau khi tốt nghiệp, bà về công tác tại trường cấp 3 Hải Hậu, tỉnh Nam Định, rồi về Hà Nội dạy ở các trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Đoàn Kết. Bà còn là cán bộ chỉ đạo Vụ Cấp 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà là tác giả của nhiều tập thơ và sách được các nhà xuất bản ấn hành (8 tập thơ, 5 tập tiểu thuyết, 6 tập ký, 5 tập tạp văn). Bà là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên nòng cốt của Câu lạc bộ Thơ Nhà giáo Việt Nam. |