Dòng trạng thái của người vợ lập tức đã thu hút hàng vạn người quan tâm bình luận và bày tỏ cảm xúc trên các hội nhóm.
Một số ý kiến cho rằng nhà nghèo, điều kiện kinh tế không có mà vợ chồng lại hiếm muộn, phải vay mượn hàng trăm triệu ra để chạy chữa sinh con là chuyện lớn chứ không hề nhỏ, đúng là phải khiến người ta nặng đầu chứ không phải chuyện quyết định dễ dàng được trong phút mốt theo kiểu dù qua bão giông thế nào vợ chồng cũng bên nhau như trong phim ngôn tình được:
“Mình chưa gặp chưa rõ nhưng nếu khó khăn mà đi vay mấy trăm triệu thì đúng là sinh con ra làm khổ cả con”, “Người trong cuộc mới hiểu, cuộc sống này mà không có kinh tế thì chỉ có tự đào thải mình. Có một đứa con khó gấp vạn lần người khác cộng thêm khoản nợ đè vai, dồn nén áp lực công việc thì dù có con cũng vẫn không chắc sẽ không ly hôn. Tùy vào điều kiện của mình thôi”… là những ý kiến cho rằng điều kiện kinh tế là yếu tố cần cân nhắc kỹ. Hiếm muộn, vô sinh nhiều khi cũng chẳng sao, nhưng sống chết để ra được đứa con mà tiền không có thì cuộc sống cùng khổ.
Đa số các ý kiến khác nhìn nhận vấn đề dưới góc độ một người chồng nói ra như vậy có đáng mặt đàn ông không, có đủ tin cậy để phụ nữ chọn làm chồng hay không.
Các ý kiến này cho rằng, đã là vợ chồng, đến với nhau vì tình, sống với nhau, sớm tối bên nhau còn hình thành thêm cả nghĩa. Con cái là món quà hạnh phúc lớn lao cho mỗi tổ ấm gia đình, vậy mà đem lên bàn cân, coi việc sinh con với người mình yêu không nặng được bằng trăm triệu thì đúng là người vợ có lý do để cảm thấy chua chát với lựa chọn hôn nhân của mình.
Các ý kiến này cho rằng người đàn ông nào sớm đã nghĩ thà ký giấy ly hôn nếu vợ không đẻ được chứ không lo tiền chạy chữa, thì anh ta chẳng qua chỉ xem việc lấy vợ là lấy về một người để đẻ con thôi, không có tình nghĩa gì hết.
“Bạn nên cảm thấy may mắn vì cuộc đời còn lại của mình được sang trang mới tươi sáng, rực rỡ, hạnh phúc hơn”, “Cảm ơn vì họ bộc lộ bản chất sớm, chứ hãm kiểu này có vài trăm triệu chữa hiếm muộn xong vẫn ly hôn”, “Đàn ông mà vô sinh thì vợ chấp nhận ở cạnh cả đời hoặc nhận con nuôi. Đàn bà mà không đẻ được thì vài năm cả nhà chồng tống cổ ra ngoài đường”… là các ý kiến chê trách người chồng, nặng hơn là phê phán sự khác biệt bất công, bất bình đẳng trong cách nhìn, thái độ của người đời đối với đàn ông hiếm muộn và đàn bà hiếm muộn.
Chị Phan Hà, nhà ở Định Công (Hà Nội) nhân câu chuyện đang được bàn luận rôm rả trên mạng xã hội cũng chia sẻ:
“Vợ chồng mình hiếm muộn, đằng đẵng 6 năm trời kiên trì làm đủ cách để có con, thụ tinh ống nghiệm vài lần hỏng, tiêm thuốc không biết bao nhiêu lần, tốn kém không biết bao nhiêu tiền, mà quan trọng là mỗi một lần hy vọng rồi lại thất vọng nó ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Tình cảm vợ chồng cũng có lúc bị ảnh hưởng, lung lay đấy, vì hành trình kiếm con gian nan quá. May mắn là sau 6 năm cuối cùng mình cũng có được 2 bé sinh đôi, vợ chồng mừng không tả xiết. Nói thật nếu không phải chữa hiếm muộn thì tiền ấy trong ngần ấy năm nếu gom góp vợ chồng mình cũng đủ mua một cái nhà rồi. Nhưng có con hạnh phúc lắm. Mình cũng yêu chồng hơn vì anh đã luôn ở bên mình, vợ chồng cùng vượt qua những ngày tháng đó để có được hai cục vàng bây giờ. Thái độ của chồng quan trọng lắm, thật buồn cho bạn gái có người chồng suy nghĩ như vậy, thà nói rằng không có tiền chữa thì vợ chồng sớm tối bên nhau yêu thương, bù đắp cho nhau nhiều hơn, đằng này lại bảo là ký đơn ly dị…”.
Bạn Tô Lan, nhân viên marketing làm việc cho một công ty ở Hà Nội thì cho rằng, đối với bạn, việc có con hay không không quá quan trọng: “Kết hôn thì chỉ cần hai người yêu thương nhau là được. Nếu vì bệnh tật mà không thể mang lại hạnh phúc làm cha mẹ cho nhau thì vẫn có thể bù đắp cho nhau bằng những hạnh phúc khác. Điều kiện kinh tế không có mà vay vài trăm triệu để chạy chữa sinh con thì cũng là chuyện cần cân nhắc. Trong thời này, đừng nói “trời sinh voi sinh cỏ”. Bố mẹ không có tiền, em bé ra đời sẽ khổ và thiệt thòi đầu tiên”.
Nguyên nhân vụ 17 thanh niên hỗn chiến kinh hoàng ở TP. Hồ Chí Minh
Theo Dân trí