Hưng 29 tuổi, hiện công tác tại một ngân hàng ở Hà Nội, còn Liên 28 tuổi, làm thiết kế nội thất.
Yêu nhau 6 năm, họ từng chia tay 2 lần rồi quay lại. Nguyên nhân chủ yếu là do tính khí tiểu thư nắng mưa thất thường, hành vi bốc đồng của Liên. Một bất hoà nhỏ cũng có thể khiến cô la hét, ném đồ đạc bất kể là ở đâu. Mỗi lần như vậy Hưng thường phải xuống nước dỗ dành, xin lỗi mặc dù lỗi đó có thể không phải của anh.
Liên vốn xuất thân trong gia đình khá giả. Nhà chỉ có mỗi cô con gái rượu nên cô được bố mẹ cưng chiều, muốn gì được nấy. Bất cứ ai làm trái ý Liên đều giận dỗi, làm mình làm mẩy. Bố mẹ Liên cũng đành bất lực chỉ biết khuyên Hưng thương con gái mình mà cố gắng chịu đựng.
Yêu nhau đã lâu, cũng dọn về sống chung hơn 1 năm nay mà không thấy Hưng đả động chuyện cưới xin, Liên ra sức thúc giục. Nhưng lần nào cũng thế, Hưng chỉ ậm ừ cho qua. Không phải là anh có đối tượng mới mà tính cách của Liên khiến Hưng bị lạc cảm giác, e ngại không dám tiến xa.
Dù vậy, nghĩ đến mối quan hệ đã gắn bó nhiều năm, Liên còn từng một lần vì anh mà phải bỏ thai ngoài ý muốn, cuối cùng Hưng cũng đưa Liên về quê giới thiệu với gia đình.
Nhưng buổi ra mắt đã trở thành một cơn ác mộng khi bố mẹ Hưng nhanh chóng nhận thấy tính tình đôi trẻ không thực sự hợp. Họ khuyên các con tạm hoãn việc cưới xin, dành thời gian tìm hiểu nhau thêm.
Cho rằng Hưng và bố mẹ thông đồng với nhau chối bỏ trách nhiệm, Liên khóc lóc kể lể vì Hưng mà đánh mất 6 năm thanh xuân. Cô còn lôi cả chuyện phải phá thai ra nói. Sau đó Liên đặt câu hỏi: “Đến bây giờ gia đình vẫn còn muốn hai đứa tìm hiểu là thế nào?”.
Bố Hưng cảm thấy không vừa ý với cách cư xử của Liên nên bỏ ra ngoài. Mẹ anh dù không vui trong lòng nhưng cũng cố gắng giải thích cho Liên hiểu. Bà nói: “Gia đình biết hai đứa yêu nhau lâu rồi nhưng hôm nay Hưng mới đưa bạn gái về ra mắt. Giờ cháu đòi cưới ngay làm sao hai bác chấp nhận được”.
Liên nghe vậy nóng nảy bật lại: “Bác không chấp nhận cũng phải chấp nhận!”
Thấy bạn gái có thái độ thiếu tôn trọng với mẹ mình, Hưng không nhịn được nữa quát lên: “Cô nói chuyện với mẹ tôi kiểu gì đấy, cô ra khỏi nhà tôi ngay!”.
Cơn giận dữ bùng nổ khiến Liên phản ứng cực đoan. Cô vơ lấy con dao gọt hoa quả trên bàn kề vào cổ mình gào khóc: “Các người đừng ép tôi, hôm nay tôi sẽ chết ở đây cho các người xem…”.
Cũng may vừa lúc đó bố Hưng về đến nhà, vốn là sĩ quan quân đội về hưu nên ông dễ dàng tước con dao trên tay Liên, kịp thời ngăn chặn sự việc đáng tiếc xảy ra. Ngày hôm sau Hưng cùng Liên về lại Hà Nội.
Chuyện xảy ra khiến bố mẹ Hưng nhất quyết từ chối Liên. Bản thân Hưng cũng đã nói hết tình cảm với Liên nhưng cô không đồng ý chia tay. Cực chẳng đã, anh đành lấy lý do chuyển công tác mà dọn ra ngoài ở.
Tuy nhiên cơn ác mộng không dừng lại. Liên liên tục gọi điện và nhắn tin “khủng bố” bạn trai. Cô gái tuyên bố nếu chia tay sẽ tự vẫn trước cửa nhà Hưng ở quê.
Cảm thấy quá bế tắc, Hưng đành tìm đến chuyên gia tâm lý để được tham vấn, giúp thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại.
“Thông thường, chúng ta luôn có những cảm nhận và phản ứng lại với diễn biến cuộc sống xung quanh mình. Tuy nhiên, một số người như trường hợp của Liên gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và phản ứng thái quá đến mức cực đoan. Nếu vấn đề này lặp lại nhiều lần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và các mối quan hệ tình cảm thì có thể là dấu hiệu gợi ý cho hội chứng tâm lý rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – viết tắt là BPD)”, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân đưa ra nhận định, đồng thời lưu ý Hưng tính chất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Chuyên gia tâm lý nói với Hưng: “Liên đe dọa tự vẫn sau khi chia tay nghĩa là cô ấy đang khủng bố bạn về mặt tinh thần và có thể mọi việc sẽ đi xa hơn nữa. Kể cả bạn cho rằng cô ấy sẽ không làm gì tổn thương mình, hãy luôn đặt sự an toàn của cả hai và gia đình lên hàng đầu. Hiện tại tâm lý cô ấy bất ổn, có hành vi tự ngược đãi bản thân, ngoài ra có thể làm tổn thương người khác khi cảm xúc ở trạng thái cực điểm…”.
Hưng cũng thừa nhận vì Liên nhất quyết không chấp nhận lời chia tay, liên tục khóc lóc, đòi sống đòi chết nên anh cảm thấy tội lỗi, sợ hãi và thương hại mà không nỡ dứt khoát.
“Giữ vững lập trường và duy trì giới hạn trong thời điểm này là rất quan trọng. Nhắc lại lý do vì sao bạn muốn chia tay nếu cần thiết. Không thoả hiệp kể cả khi cô ấy nói: “Em sẽ ngừng (hành vi tự hại hoặc đe dọa tự vẫn) nếu anh đồng ý quay lại”. Hãy đối xử tử tế với nhau nhất có thể nhưng đừng nói kiểu không rõ ràng khiến cô ấy tiếp tục nuôi hy vọng và níu kéo”, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói với Hưng.
Nữ chuyên gia cũng khuyên Hưng hạn chế đôi co, tranh cãi hoặc có thái độ như “Em muốn làm gì thì làm” hay “Anh cá là em không dám làm“ khi Liên đòi tự vẫn. Vì thực tế, nhiều tình huống đáng tiếc đã xảy ra khi đối phương cảm thấy người kia không coi lời mình nói là nghiêm túc.
Để giảm thiểu việc Liên tự làm hại mình, nữ chuyên gia khuyên Hưng nên nói những lời như: “Anh cảm thấy rất buồn khi em nói rằng sẽ làm tổn hại bản thân. Nếu bố mẹ và người thân của em biết được cũng sẽ đau lòng lắm. Cho dù tình cảm này không đi đến đâu, anh vẫn rất quan tâm em, xin lỗi vì mọi thứ quá khó khăn với em như vậy…”.
Chuyên gia cũng khuyến nghị Hưng cùng với gia đình Liên nên kết nối cô với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.
“Rất may mắn là sau đó Liên đã đồng ý tiếp nhận sự giúp đỡ chuyên môn. Thông qua trò chuyện về tiền sử và các triệu chứng chuyên gia kết luận Phương bị mắc hội chứng rối loạn nhân cách ranh giới-BPD.
Sau đó, nhờ thực tập thiền và các hoạt động tham vấn trị liệu tâm lý tích cực, Liên dần thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân, bước đầu thuyên giảm một số triệu chứng và tác động tiêu cực của bệnh”, chuyên gia Hoàng Hải Vân nhớ lại.
Linh Giang (ghi)