1. “Cha mẹ làm tất cả vì con”
Khi cha mẹ nói câu này, họ đang đề cao quá mức những gì mình làm cho con cái và chẳng khác nào nói rằng “con đang nợ cha mẹ đấy”.
Việc để con cái mang cảm giác như bị gông cùm nặng nề về tinh thần sẽ khiến chúng ngày càng mặc cảm với cha mẹ hơn.
Có một khái niệm trong tâm lý học gọi là “tống tiền tình cảm”. Những kẻ tống tiền tình cảm luôn khiến đối phương cảm thấy bạn không quan trọng, tình cảm của tôi quan trọng hơn. Bạn cần có trách nhiệm và nghĩa vụ đáp ứng chu cầu của tôi.
Khi nói ra câu “cha mẹ làm tất cả vì con”, họ đang thể hiện rằng “cha mẹ làm điều này vì lợi ích của con, nếu con không nghe lời có nghĩa là con không quan tâm tới cha mẹ mình”.
Sống với kiểu bị đày đọa tinh thần này trong thời gian dài, trẻ bị áp lực nặng nề, dần dần nảy sinh tâm lý phản kháng và nổi loạn.
2. “Con thật lắm chuyện”
Trẻ nhỏ không giỏi kiểm soát cảm xúc, hành động của bản thân. Đôi khi, những lần trẻ khóc, giận dữ khiến cha mẹ mệt mỏi, khó chịu. Nhiều cha mẹ sẽ nói “con thật lắm chuyện” như một cách để yêu cầu trẻ giữ bình tĩnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng cách nói này sẽ vô tình bác bỏ cảm xúc thật của trẻ. Trẻ thường tìm đến cha mẹ để bày tỏ và học cách quản lý cảm xúc. Nếu cha mẹ cho rằng cảm xúc của trẻ là ngớ ngẩn, các em sẽ dần coi nhẹ tâm trạng, suy nghĩ của bản thân và người khác, theo Best Life.
3. “Mẹ chán con lắm rồi đó”
Câu nói này cũng làm trẻ vô cùng đau khổ. Cha mẹ chính là những người gần gũi, thân thiết và là chỗ dựa vững chắc cho con cái. Thế nhưng sự chán chường của người lớn khiến trẻ mất đi cảm giác an toàn trong cuộc sống. Vì thế, con cái sẽ tự trách mắng, chán ghét chính mình.
4. “Nín ngay! /Đừng khóc nữa!”
Đây được cho là một trong những câu nói đứng đầu trong danh sách những câu nói của cha mẹ làm con buồn và tổn thương sâu sắc. Cứ thử nghĩ mà xem, khi bạn đang khóc, ai đó ra lệnh cho bạn nín, bạn có thể nín được không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao bạn lại yêu cầu con phải nín? Mà cho dù con nín khóc vì sợ thì nỗi ấm ức vẫn sẽ chồng chất trong lòng, thậm chí càng làm trẻ bực dọc và “bùng nổ” hơn.
Bắt con ngừng khóc, ngụ ý rằng việc khóc là không tốt trong khi đó hoàn toàn là điều bình thường khi có chuyện gì đó không vui khiến con khóc hoặc buồn bực. Cha mẹ đừng vội coi thường cảm xúc của trẻ và dùng những lời lẽ không hay để làm tổn thương con. Mỗi cảm xúc của trẻ đều đáng được tôn trọng và hẳn là bố mẹ không muốn nhìn thấy con mình vô cảm chứ?
5. “Nếu con hư, mẹ sẽ gọi chú cảnh sát tới bắt con”
Câu nói này tương tự như “con mà không ăn cơm, mẹ gọi bác sĩ tới tiêm cho mà xem”. Điều này sẽ khiến cho trẻ ngày càng cảm thấy sợ hãi bác sĩ, công an. Một khi trẻ gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ của công an, chúng sẽ sợ hãi không dám. Khi trẻ bị ốm cần đến bệnh viện, chúng sẽ từ chối không hợp tác với bác sĩ.
6. “Con thật ích kỷ”
Trẻ nhỏ chưa có nhận thức về việc chia sẻ, đặc biệt là chia sẻ món đồ yêu thích với người khác. Nhiều gia đình từng gặp tình huống khó xử khi con từ chối chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Khi đó, phần lớn cha mẹ sẽ yêu cầu con nhường, nếu trẻ không làm theo sẽ trách rằng “con thật ích kỷ”.
Thực tế, ép con phải chia sẻ những món đồ mình thích không phải cách giúp con nâng cao các kỹ năng xã hội. Ngược lại, điều này vô tình khiến trẻ tổn thương và có những hiểu biết sai lệch về các mối quan hệ, theo Aboluowang. Vì thế, thay vì trách con, cha mẹ cần cho trẻ hiểu rõ bạn đang thất vọng về hành động chứ không phải con người của chúng.
7. “Nhìn… mà xem / Con nhà người ta…”
Trong rất nhiều lời nói gây tổn thương, thì việc bị đem ra so sánh với người khác vẫn luôn là hành động khiến trẻ em buồn nhất mà cha mẹ cũng hay mắc phải nhất. Cha mẹ nào cũng mong con cái mình tốt hơn và việc so sánh chúng với con nhà người ta như một hội chứng thường trực để họ định hướng những đứa trẻ của mình.
Vậy nhưng họ lại không nhận ra được rằng mỗi đứa trẻ mỗi khác và họ đâu có nhận con nhà hàng xóm về nuôi được? Hơn nữa, con bạn nghe những câu so sánh chỉ thêm tự ti và nhụt trí thôi, thậm chí còn hình thành thói quen ghen ghét, tâm lý bi quan hoặc cáu kỉnh, khó chịu… Vì thế, hãy ngừng so sánh. Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa.
8. “Tại sao bạn đó không đánh người khác đi mà chỉ có đánh con?”
Khi cha mẹ nói với trẻ như vậy, ngụ ý rằng trẻ bị đánh vì có lỗi. Đứa trẻ đang rất buồn, cần được an ủi và bảo vệ nhưng cha mẹ lại phủ nhận hết cảm xúc của chúng.
Điều này sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ, bất cứ khi nào có chuyện gì tồi tệ xảy ra, đó là do lỗi của mình. Hậu quả là trẻ bất an, thiếu tự tin, nhạy cảm quá mức, thậm chí lần sau có bị bắt nạt cũng không dám nói với cha mẹ.
9. “Tại sao con không giỏi như anh chị?”
Nhiều cha mẹ cho rằng sự cạnh tranh, ganh đua sẽ giúp trẻ nỗ lực và biết cải thiện bản thân. Thực tế, những lời so sánh trẻ với anh chị em trong nhà có thể khiến đứa trẻ tổn thương nặng nề.
Nhà trị liệu tâm lý Shirley Porter nhận thấy lời nói này của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy bản thân không đủ tốt và không được cha mẹ coi trọng. Thậm chí, nhiều em dễ sinh lòng đố kỵ và ghen ghét với người thân của mình.
10. “Bố/Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi”
Đây là câu nói vô nghĩa nhất mà các bậc cha mẹ thường nói vì nếu trẻ trả lời được, chúng đã không làm thế từ đầu rồi. Câu nói này thực chất chỉ là câu cử miệng để bố mẹ xả cơn tức giận và khiến trẻ thêm rối trí thêm mà thôi. Thay vì thế, hãy tìm cách làm thế nào để không phải nhắc trẻ nữa, bằng cách cùng thảo luận với con cách gì để không lặp lại vấn đề đó, in những tờ nhắc nhở đẹp để con nhớ…
Hãy sáng tạo và tìm cách con có thể tiếp thu, thay vì tuyệt vọng “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi?”.
Cha mẹ bán đồng nát, con đỗ thủ khoa THPT Chuyên Vĩnh Phúc