Nhiều năm nay, truyền hình, phim ảnh, truyền thông liên tục cố gắng thay đổi hình ảnh của những người cha thông qua các gameshow, bộ phim, đặc biệt là tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, và cả Việt Nam.
Phần lớn đều hướng tới việc thấu hiểu giữa cha – con, nơi con cái có thể thoải mái nói ra nỗi niềm của bản thân một cách cởi mở với cha mình, và ngược lại, người cha cũng được bộc lộ tâm tư, tình yêu thương của bản thân thay cho mẹ.
Thực tế, vai trò của người cha trong gia đình đã có nhiều thay đổi trong suốt hàng trăm năm qua.
Người đàn ông được xã hội gán cho trách nhiệm chu cấp, bảo vệ mái ấm. Đôi khi, sự hiện diện của họ trong gia đình dần giảm bớt, thậm chí trở nên xa lạ với những người thân yêu khi vấp phải định kiến và áp lực kinh tế.
“Sự nam tính của một người đàn ông dần được định nghĩa bằng khả năng chu cấp cho gia đình, thay vì những khía cạnh như cảm xúc hay chăm sóc. Họ luôn bận rộn với nhiều vai trò xã hội khác trước khi trở về nhà”, Frank Pittman, tác giả cuốn Man Enough: Fathers, Sons, and the Search for Masculinity, chia sẻ.
Áp lực “trụ cột kinh tế”
Dưới ảnh hưởng từ quan niệm xã hội, phụ nữ dần đảm nhận vai trò chủ yếu là vun vén, chăm sóc gia đình; còn nam giới gánh vác nhiều trách nhiệm chu cấp, bảo vệ các thành viên hơn trước.
Khi đó, địa vị trong gia đình của nam giới lại được đánh giá bằng khả năng kiếm ra tiền của để chăm lo gia đình. Điều này tạo ra khuôn mẫu, áp lực giới bởi một người cha không giàu có hay quyền lực sẽ bị nhiều người xem là “một sự thất bại”.
Do vậy, họ phải gồng mình tìm kiếm giá trị bản thân bên ngoài môi trường gia đình. Họ không chỉ muốn tìm công việc ổn định, mà còn cần nỗ lực để nhận được sự hài lòng, công nhận của cấp trên và đồng nghiệp.
Theo thời gian, vai trò mới của nam giới phần nào tách rời họ khỏi gia đình, gây ra trở ngại cho những người cha trong việc kết nối, chia sẻ trách nhiệm chăm sóc với bạn đời và con cái.
“Cha tôi là một người đàn ông cao lớn, là trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Thực tế, ông hầu như không mở lời trò chuyện với chúng tôi, song luôn cố gắng đáp ứng các yêu cầu về tài chính bởi đó là một trong số ít cách ông ấy thể hiện tình cảm với gia đình”, Noah benShea, tác giả cuốn The Journey to Greatness and How to Get There, chia sẻ.
Với áp lực ấy, nhiều thế hệ những người cha chỉ biết tới trách nhiệm kinh tế ra đời, tạo ra vết thương tâm lý cho nhiều đứa trẻ. Họ khao khát nhận được sự nhìn nhận và thừa nhận của cha mình, mong được “trụ cột gia đình” nâng đỡ, bảo vệ về tinh thần và thể chất.
Psychology Today cho rằng điều đó có thể tạo nên vết thương tâm lý với nhiều thế hệ thanh thiếu niên, khiến họ lầm tưởng các biểu hiện của nam tính độc hại là cách thể hiện cảm xúc và tương tác với những người xung quanh.
Thay đổi
Giờ đây, quan niệm xã hội quy định vai trò của nam và nữ trong gia đình, xã hội đã có nhiều thay đổi tích cực.
Phụ nữ không còn bị trói buộc trong căn bếp và được ủng hộ thể hiện bản thân với các vai trò khác. Với nam giới, họ thoải mái hơn khi bộc lộ cảm xúc, thực hiện công việc chăm sóc gia đình.
Bằng cách đó, nam giới dần tìm lại sự cân bằng giữa trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội, gỡ bỏ những khuôn mẫu độc hại về sự nam tính. Họ có thể chia sẻ áp lực cuộc sống cùng bạn đời, khiến con cái cảm thấy mình được trân trọng.
“Vai trò ‘người chăm sóc’ đem đến cho nam giới nhiều lợi ích hơn là ‘trụ cột kinh tế’ vì họ có thể biểu lộ cảm xúc và sắp xếp lại sự ưu tiên của mình. Điều đó hoàn toàn bình thường, hoặc có thể nói đó là điều nam tính nhất mà một người đàn ông có từ trải nghiệm chăm sóc gia đình”, Frank Pittman nói.
Ông cho rằng nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay xác định “sinh con là để nuôi dưỡng và dạy dỗ”, không chỉ để hoàn thành vai trò xây dựng gia đình. Điều đó khiến họ ý thức được tầm quan trọng của việc vun đắp gia đình, cùng chung tay vào quá trình trưởng thành của đứa trẻ.
“Tôi tự hỏi thế hệ ‘những người cha mới’ này có thể hàn gắn vết thương tâm lý về tình phụ tử của những lớp người trước đó không. Tôi hy vọng là có vì ngày càng nhiều nam giới sẵn sàng tham gia vào việc nhà, tìm cách bày tỏ tình cảm với con cái một cách trực tiếp – điều hiếm thấy trước đây”, Pittman cho biết.
Bỏ học từ năm lớp 4, người mẹ bán chè rong nuôi 3 con thành Tiến sĩ ở nước ngoài
Theo Zingnews