Tôi gặp chị Lụa* (trú xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong một buổi truyền thông phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình. Đây là một phần nội dung thuộc dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”, do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An tổ chức tại 2 xã Quỳnh Lương và Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu.
Thật khó để mở lời hỏi chị Lụa, bởi ai cũng hiểu, những người phụ nữ có mặt ở đây đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, thậm chí là trong quãng thời gian rất dài. Câu chuyện hôn nhân địa ngục dần hiện ra trong lời kể chắp nối của người phụ nữ nông thôn này. “Nhìn em già lắm phải không chị. Em mới hơn 40 tuổi thôi”, Lụa nói, hai bàn tay miết vào tà áo. Khuôn mặt cô đầy góc cạnh, đen đúa, mái tóc rối bù, xác xơ. Lụa xưng em với tất cả mọi người, khuôn mặt luôn cúi xuống mỗi khi nói chuyện. Lụa ít cười, bởi hai hàm răng chỉ còn lơ thơ vài chiếc. “Em ăn đá nhiều, nó rụng hết”, cô nói. Nhưng rồi lại bảo “Chồng em ném cái bát trúng vào miệng, em gãy mất 2 chiếc răng cửa. Rồi không hiểu sao mấy cái còn lại cứ rụng dần. Chắc tại em ăn đá lạnh nhiều quá”.
Lụa bảo chồng cô đánh vợ bất kể lúc nào và bất kể lý do gì. Nếu cô càng cãi, càng bị đánh. Lâu dần, cô không cãi, cũng không phản ứng gì nữa. Cứ câm lặng như cái bịch bông để chồng trút giận. Không phải cô không đau, mà cô biết, mọi sự phản ứng sẽ khiến cơn giận giữ của chồng chuyển sang nắm đấm mạnh hơn. “Đã có lúc em nghĩ trong lúc anh ấy say, không biết gì, cầm con dao xiên một nhát để kết thúc cuộc hôn nhân địa ngục này. Nhưng rồi kìm lại được, anh ấy chết, em cũng phải đi tù, con cái biết sống thế nào?”, giọng Lụa nhỏ dần lại.
Cô lầm lũi sống, lầm lũi chịu đựng, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện li hôn, dứt bỏ ra khỏi cuộc hôn nhân này. “Chồng em rượu vào thì mới thế thôi”, cô cố gắng níu lấy một lý do. Mỗi tội, tuần nào chồng cô cũng uống rượu, tuần nào cũng say…
Chồng chị Minh (trú xã Quỳnh Lương) không nát rượu, nhưng lại ngoại tình. Anh chị đã từng có mối tình rất đẹp, kéo dài 5 năm thời sinh viên trước khi quyết định đến với nhau. Chị Minh xinh đẹp, học thức và kiếm được nhiều tiền nhờ tấm bằng ngoại ngữ loại giỏi. Chồng chị điển trai, kinh tế vững vàng và đã từng thương vợ, thương con, trách nhiệm với gia đình. Cuộc hôn nhân trong mơ của họ ngoặt bước khi chị Minh quyết định từ bỏ công việc lương cao hiện tại để về xin việc gần nhà, có thời gian chăm sóc con do sức khỏe cháu không tốt.
Sau khi sinh đứa con thứ 2, chị Minh vô tình phát hiện chồng ngoại tình. Cũng từ đấy, chị bắt đầu phải nếm trải những trận bạo hành của chồng, nhất là khi việc làm ăn của anh ta không thuận lợi. Chị đã từng một lần vì lời trăng trối của mẹ, vì các con mà quyết định tha thứ cho chồng nhưng người chồng không muốn quay về. Anh ta công khai cặp kè hết người này đến người khác. Làm ăn thất bát, chồng chị Minh quay về nhà và dồn những bức xúc lên người vợ đã từng sát cánh cùng mình qua bao gian khổ.
Những trận đòn trong phòng kín, giữa đêm khuya, chị không dám hé răng kêu lời nào bởi “xấu chàng thì hổ ai”. Chị với chồng không còn tình nghĩa nhưng để cắt đứt mọi chuyện thì chị không dám. “Bản thân tôi mang bệnh nặng, không biết sống chết lúc nào. Nếu li hôn, tôi không nỡ để con lại bởi bệnh tình của cháu như thế, còn đưa cháu đi, tôi không đảm bảo sẽ lo được cho con. Tôi nhẫn nhục, chịu đựng, như câm, như điếc, chỉ mong con có một mái nhà để trú ngụ, để chữa trị. Ít nhất anh ta còn có trách nhiệm với con…”, chị bật khóc trước tình cảnh không lối thoát của mình.
Trái ngược với sự nhẫn nhịn, chịu đựng và mong muốn hàn gắn để con có một mái ấm của chị, người chồng tìm đủ mọi cách để ép chị viết đơn li hôn, đồng nghĩa với việc phải ra khỏi nhà tay trắng và phải mang con theo. Chị ra “tối hậu thư”, đồng ý li hôn nhưng sẽ công khai mọi chuyện để mọi người biết bộ mặt thật của người chồng. Không muốn mất mặt, không thể li hôn, chồng chị chuyển sang hành hạ vợ con bằng cách cắt toàn bộ khoản tiền chu cấp nuôi con. Cuộc đời của mẹ con chị như rơi vào ngõ cụt…
Đã có dâu, có cháu nhưng bà Bích (xã Quỳnh Thắng) vẫn bị chồng đánh, chỉ là tần suất ít hơn trước. Không phải vì ông bớt dữ dằn hơn, mà là ở cái tuổi hơn 60, lại bị ma men bóc kiệt sức, tay chân ông yếu hơn trước. Đưa bàn tay phải bị chồng đánh vẫn còn sưng ra, bà kể về cuộc đời tủi nhục và đau đớn muốn quên đi của mình. Chồng bà thích uống rượu và thích ra oai với vợ con. Mọi việc nặng nhọc trong nhà ông nhường cho vợ, nhưng đến bữa trên mâm cơm phải thật tươm tất, bà phải cung kính mời ông vào ăn. Bà nhẫn nhịn, cung cúc phục vụ chồng nhưng vẫn thường xuyên chịu những trận đòn vô cớ.
“Có lần giữa đêm, ông ấy đánh tôi. Tôi kéo 2 đứa con chạy ra khỏi nhà, 3 mẹ con nép dưới bụi chuối, sau hố xí. Ông cầm dao khua khoắng phía trên, vừa khua vừa chửi. Tôi nép thật chặt dưới nền đất, cố gắng không thở mạnh, chết khiếp vì tiếng dao khua trên đầu, tưởng như chỉ cần thở mạnh, ông ấy biết thì chém tôi chết mất”, khuôn mặt bà vẫn hằn nguyên nỗi sợ hãi. Bà cũng đã báo công an, chính quyền, ông ừ ừ dạ dạ khi làm việc với cơ quan chức năng, hứa không tái phạm nhưng dăm bữa nửa tháng đâu lại vào đó.
Chạy khỏi nhà là cách duy nhất bà Bích có thể tránh được những trận đòn của chồng. Tìm không được vợ, ông lôi hết quần áo ra hố phân lợn nhấn chìm. Bà trở về, giữa mùa đông rét cắt da, cắt thịt, giữa cảnh nghèo kiết, nhìn đống quần áo dưới hố phân mà không còn nước mắt để khóc…
“Ông thích là đập, đánh, có khi không làm gì sai nhưng tôi cũng phải nhận lỗi và xin tha thì ông ấy mới nương tay”, bà kể. Đó là một ngày cuối Đông, bà đi bón phân cho ruộng để chuẩn bị cho vụ gieo cấy mới. Không nhớ hôm ấy ông tức giận chuyện gì nhưng trút lên đầu vợ. Ông bắt bà ra ruộng, nhặt hết số phân đã bón xuống ruộng lên. Cả thửa ruộng rộng, nước xâm xấp, phân đã rữa ra, tan vào đất, làm sao mà nhặt lại nổi. Trước cơn giận dữ của chồng, bà Bích phải xin lỗi, nhận mình đã sai, dù không biết bản thân sai ở chỗ nào để chồng khỏi đánh. Gần 30 năm sống với nhau, một lần bà bị đánh gãy xương sườn, mấy lần đi khâu phần mềm, còn những lần bị bầm tím, sưng mặt thì bà nhớ không nổi nữa.
Điều đau đớn hơn đối với bà là đứa con trai, từng phải chạy theo mẹ trốn những trận đòn của bố, nay lại đi vào vết xe đổ ấy…
(*) Tất cả nhân vật trong loạt bài viết này đã được thay đổi tên
Còn nữa…
Hoàng Lam