Tại Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 14/7, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trao đổi, cung cấp và làm rõ một số thông tin liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
10 nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Về công tác xây dựng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến năm nay đã bước qua năm thứ hai, cả hệ thống chính trị đang rất khẩn trương để tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội.
Vấn đề cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào cuộc sống là một trong những vấn đề rất quan trọng.
Từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị, địa phương mình.
Năm 2021, Bộ Chính trị đã có các đoàn đi kiểm tra việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Năm 2022, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn, song không chỉ kiểm tra việc triển khai quán triệt Nghị quyết mà còn cả việc cụ thể hóa, tổ chức triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
[Bồi dưỡng về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên]
Nghị quyết Đại hội XIII xác định trong những năm tới, đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ. Đảng đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đó xây dựng Đảng về chính trị; xây dựng Đảng về tư tưởng; xây dựng Đảng về đạo đức; xây dựng Đảng về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả của hoạt động hệ thống chính trị; tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; cán bộ và người đứng đầu; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; quan hệ giữa Đảng với dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.
Với nội dung “quan hệ giữa Đảng với dân,” theo bà Trương Thị Mai, gần đây, Đảng dùng cụm từ “dựa vào dân để xây dựng Đảng” và câu này không chỉ là khẩu hiệu mà còn phải trở thành vấn đề thiết thực, thực chất trong đời sống xã hội hiện nay.
Đối với vấn đề giám sát của nhân dân, phản biện của nhân dân, Bộ Chính trị đã có 3 văn bản gồm các Quy định số 217-QĐ/TW, Quy định số 218-QĐ/TW khóa XI ngày 12/12/2013 và Quy định số 124-QĐ/TW khóa XII để giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, cán bộ quản lý và người đứng đầu.
Thời điểm ban hành Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng đề ra nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Nay Đảng đã bổ sung cho tên gọi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, “tiêu cực” có nội hàm không có gì xa lạ. Đó chính là 9 biểu hiện của suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
Đối với nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, bà Trương Thị Mai cho biết để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương diễn ra vào tháng 10 tới, Ban Tổ chức Trung ương được Trung ương giao để tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương các văn bản về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới và dự kiến Ban sẽ có một nghị quyết về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới hoặc là trong giai đoạn mới.
Như vậy, thời gian tới, Đảng sẽ tiếp tục đánh giá, tổng kết thực tiễn để có nghị quyết trực tiếp đối với vấn đề này, làm cho phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, chất lượng, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.
3 giải pháp đột phá đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Theo bà Trương Thị Mai, có 3 giải pháp đột phá đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ nhất là hoàn thiện thể chế. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể chế hóa nghị quyết, cương lĩnh, bà Trương Thị Mai cho rằng việc thể chế được thể hiện bằng những văn bản cụ thể của Đảng, cũng như pháp luật của Nhà nước, đảm bảo thể chế tạo điều kiện để chủ trương, quan điểm của Đảng đi vào cuộc sống tốt hơn.
“Đảng chủ trương là chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, hay phải đảm bảo an sinh xã hội, nhưng nếu không có Luật Bảo hiểm xã hội, không có Luật Bảo hiểm y tế, những chính sách an sinh không thể đi vào cuộc sống được. Do đó, hoàn thiện thể chế là một trong yêu cầu rất quan trọng,” bà Trương Thị Mai dẫn chứng.
Đột phá thứ hai đó là dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục phát huy dân chủ nhưng cũng phải gắn với kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường để cán bộ đổi mới sáng tạo. Điểm đột phá này, theo bà Trương Thị Mai, vẫn đang còn những thách thức rất lớn.
Trong quá trình thực tế công tác, có những cán bộ vi phạm, Đảng phải xem xét và xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, Đảng cũng khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, tránh tâm lý sợ bị kỷ luật mà co lại, an toàn, không dám làm việc, đất nước không thể phát triển được.
Đột phá thứ ba, đó chính là vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cũng như kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Bà Trương Thị Mai cho biết Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản Quy định số 205-QĐ/TW trình Bộ Chính trị ban hành ngày 23/9/2019. Năm 2022, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương báo cáo 2 năm thực hiện quy định này.
Cùng với Quy định số 205-QĐ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Tới đây, Đảng sẽ có quy định về kiểm soát quyền lực trong các cơ quan tư pháp, tố tụng, cơ quan làm kiểm tra, thanh tra. Đảng cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành các văn bản để làm cho cơ chế kiểm soát quyền lực đảm bảo chặt chẽ hơn./.
Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)