Ngày xưa tôi cứ hay đòi mẹ đẻ cho mình “khoảng 10 đứa em” để chơi cho vui cửa vui nhà. Bố nghe xong cứ ôm bụng cười mãi. Lớn lên tôi mới biết mong ước ấy của mình khiến bố mẹ “sợ hãi” làm sao.
Đến khi tôi 5 tuổi thì có thêm đứa em gái thật. Thú vị hơn nữa là các cậu với chú cũng sinh con cùng lúc, mấy gia đình đều quây quần ở gần nên tôi có thêm một “đội quân” toàn em họ nữa. Cả tuổi thơ chúng tôi 6 đứa ríu rít tối ngày với bao kỉ niệm đáng nhớ. Trong đó tuyệt vời nhất phải kể đến những tháng năm được ở cùng bà nội.
Bố tôi cùng các chú chuyển ra nội thành Hải Phòng làm ăn từ năm 18 tuổi. Khi cuộc sống đã ổn định và ai cũng lập gia đình riêng thì bố mẹ tôi đón bà nội dưới huyện lên nhờ trông giúp các cháu.
Ban ngày mọi người đi làm thì 7 bà cháu chúng tôi ở nhà với nhau. Làm vườn, tưới cây, nuôi gà, chăm chó, đi chợ, dọn nhà, ngủ trưa… Mấy bà cháu đều loanh quanh trong 3 căn nhà nhỏ cuối ngõ.
Vì nhà tôi rộng nhất nên cứ sáng sớm là lũ em út chạy sang. Đợi bà chuẩn bị bữa sáng xong là cả lũ sẽ vừa đọc truyện tranh vừa ăn, vừa bày trò chơi rất vui vẻ.
Ngoài những lúc tự chơi với nhau thì anh em chúng tôi cũng hay sang hàng xóm để “quậy”. Hồi đầu lũ nhóc trong khu chê bai chúng tôi nhiều lắm, chê anh em tôi là “nhà quê”. Nhưng sau mấy lần “giao lưu võ thuật” trẻ con thì cả hội lại thân thiết vô cùng. Và tôi được coi là thủ lĩnh của đám lít nhít ấy.
Chúng gọi tôi là “siêu nhân xanh” vì tôi hay mặc quần đùi Thái màu xanh. Là món quà quý giá bà nội mua ở chợ khi tôi bắt đầu kỳ nghỉ hè. Cái quần đó rất thoải mái dễ vận động nên bà cứ giặt khô xong là tôi lấy mặc liền. Thêm một lý do nữa khiến tôi mê nó là vì mặc chơi bóng đá sẽ luôn giành vô địch. Cứ trận nào mặc quần đùi xanh là y rằng tôi sẽ “múa” trên sân cỏ, khiến bọn nhỏ trong xóm lác mắt!
Tuổi thơ của mấy anh em tôi chỉ toàn chuyện vui vẻ như thế. Nhưng có 1 chuyện khiến chúng tôi “ám ảnh” vô cùng. Đến bây giờ lớn đùng hết cả, tôi thậm chí còn 1 vợ 1 con rồi mà cứ nhớ lại thấy nẫu ruột.
Đó là vụ “trị” đàn cháu ăn chực của bà nội .
Thực sự thì đối với bọn 9X như tôi thì ăn chực chính là một phần không thể thiếu của tuổi thơ. Làm gì có đứa nào không từng đi ăn chực? Vài bữa cơm nhà hàng xóm, bữa cỗ nhà bạn thân. Hoặc có khi cả cơm nhà thầy cô giáo nữa. Tôi xin thề là ăn chực luôn rất ngon, ít nhất thì đám trẻ con cùng ngõ với tôi hồi ấy đều nói vậy!
Ngõ nhà tôi có 7 hộ thì cô Thu mẹ thằng Gà nấu ăn ngon nhất. Cô là “mẹ nuôi” ở trường tiểu học của chúng tôi ngày xưa. Cả đám thích nhất là cuối tuần nghỉ học, ngủ dậy một phát là lũ lượt kéo nhau sang nhà Gà. Cô Thu biết khẩu vị chúng tôi nên hôm nào cũng ngon như ăn tiệc. Nào là súp ngô nấm, bánh da heo, chè lam, cơm gà, thịt kho… Và luôn có hoa quả tráng miệng hoặc kẹo mút, bim bim. Có hôm cô ấy còn dạy chúng tôi làm kẹo mạch nha nữa. Vừa được ăn vừa được chơi rất vui.
Hồi đầu đứa nào ăn chực về cũng bị mắng, chị em con Bún với thằng Tun còn bị ăn đòn. Riêng mấy anh em tôi thì bà nội cho đi ăn thả cửa. Đứa nào cũng sung sướng nghĩ thế là may, nhưng chỉ 1 tuần sau là chúng tôi được bà dạy cho bài học nhớ đời.
Hôm ấy bà nấu cơm xong xuôi chỉ đợi lũ cháu nhỏ đi chơi về thưởng thức. Có món rạm rim với canh mướp mồng tơi, bà đi chợ về hì hục giã cua lọc nước. Tôi có trông thấy nhưng tảng lờ vì biết hôm nay mẹ Gà hẹn làm món trứng cuộn. Bọn tôi mê món ấy lắm, chả hiểu cô Thu làm kiểu gì mà trứng cứ bồng bềnh mềm tan.
Cả đám ùa sang cổng nhà Gà nhưng thấy đóng cửa. Lát sau ông Viễn đi qua mới bảo mẹ con cô Hà đèo nhau đi đâu từ sáng sớm. Bọn tôi tiu nghỉu kéo nhau về, bụng sôi réo ùng ục. Lạ thay về nhà cũng chẳng thấy bà nội đâu nữa, mâm cơm canh thì “bốc hơi” luôn!
Tôi vẫn ngửi thấy mùi rạm rim thơm thơm còn vương ở trong bếp. Sai mấy đứa em đi tìm mà bới tung cả nhà vẫn chẳng thấy gì ăn. Lũ nhỏ mếu máo khóc kêu “Anh ơi em đói”. Tôi cũng đói mà cắn răng không dám kêu, đảo 1 vòng qua nhà khác xin cơm thì cô bác đã ăn trưa xong cả. 6 đứa trẻ con thì xin nhiều cũng khó, tôi đành ra vườn nhỏ trước sân vặt tạm ít cà chua cho chúng lót dạ.
Tôi nhớ bà hay cất trứng trong chạn nên tìm để luộc. Thế mà kỳ quặc sao hôm đó mọi thứ ăn được đều biến mất tiêu! Chẳng lẽ lại vặt rau trong vườn đem luộc. Nhưng vài cọng diếp bé chả thấm vào đâu so với đám trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhất là tôi “siêu nhân xanh” 1 bữa ăn tận 3-4 bát cơm…
Khi cả đám đói lả đi rồi, em gái tôi còn khóc thút thít gọi mẹ thì bà đội nón ở đâu về. Anh em tôi nhanh chóng bấu chặt áo bà “cầu cứu” xin ăn. Bà chẳng ân cần như mọi khi nữa, chỉ hất tay bảo lũ cháu: “Sang nhà khác mà ăn chực!”.
Mấy đứa em tôi phụng phịu bảo chẳng nhà ai cho ăn. Bà kệ cho đám cháu mè nheo liền lên giường đi ngủ. 5 đứa ngơ ngác nhìn tôi nhưng pha này thì tôi chịu! Trong túi tôi khi ấy chả có xu nào, không thể dắt các em ra tạp hóa mua mì hay bánh kẹo được.
Tầm 2h chiều chúng tôi đói héo cả ruột gan. Các em mệt quá nằm la liệt ở giữa nhà, cho đồ chơi chúng cũng chẳng thiết tha nữa. Cuối cùng chịu không nổi tôi đành rón rén vào buồng gọi bà.
– Sau này không được phép đi ăn chực hàng xóm nữa. Thứ nhất là hư vì không ai mời mình cả, thứ hai là tốn kém thức ăn nhà người ta, thứ ba là ồn ào phiền phức. Cô Thu không nói gì không có nghĩa là các con được phép ngồi lê ăn chực mãi thế. Tiền đâu mà cô ấy đi chợ mua rau thịt đãi hơn chục đứa quanh năm như vậy? Sau này lớn lên các con sẽ hiểu tại sao bà phạt nhịn đói hôm nay.
Nhớ lời bà dạy nên từ đó về sau anh em tôi không dám bỏ bữa nhà mình nữa. Ai lịch sự mời cơm chúng tôi mới dám đến. Lên chức bố rồi tôi mới hiểu cảm giác ngại ngùng xấu hổ khi thấy con mình đi xin ăn, ngồi bê bát chầu chực bên mâm nhà người khác. Ôi bữa đói nẫu ruột nhớ đời làm sao!