Cách định hướng nghề cho con của nam diễn viên Võ Hoài Nam khiến nhiều người thán phục

Xem bài viết

Từng được coi là một trong những tài tử hàng đầu của điện ảnh miền Bắc, diễn viên Võ Hoài Nam đã gặt hái được nhiều thành công. 

Sau những thành công liên tiếp ở các bộ phim Vua bãi rác, Cảnh sát hình sự, Hương vị tình thân… sức ảnh hưởng của anh càng lớn hơn. Đặc biệt, Võ Hoài Nam đã nhận được giải Diễn viên trẻ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 47 tại Busan (Hàn Quốc) sau vai diễn chính trong Vua bãi rác. Những vai diễn có sự góp mặt của Võ Hoài Nam thường được khán giả đánh giá cao.

Cách định hướng nghề cho con của nam diễn viên Võ Hoài Nam khiến nhiều người thán phục - Ảnh 2.

Đang phát triển sự nghiệp, nam diễn viên bất ngờ quyết định kết hôn với nghệ sĩ múa Lan Anh. Võ Hoài Nam sau đó cũng tạm dừng hoạt động nghệ thuật để tập trung vào kinh doanh, chăm sóc con cái. Vợ chồng anh có 4 người con gồm 3 gái, 1 trai. Con trai lớn của anh đang học tại trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh, con gái thứ 2 đang học lớp 10 và năm thứ 3 khoa Đàn tranh Học viện Âm nhạc quốc gia và hai con còn lại học cấp 2 và cấp 1.

Ngoài được mến mộ tài năng diễn suất, Võ Hoài Nam còn được nhiều người thán phục ở vai trò người bố hết sức yêu thương, tâm lý với con. Anh đã từng chia sẻ phương pháp giáo dục con của mình. Điều quan trọng nhất, anh dạy con sự thành thật, không bao giờ nói dối các con. Các con sống thẳng thắn với cá tính của mình.

Vợ chồng anh cũng để cho các con tham gia vào công việc cùng bố mẹ. Trong quán ăn nhà anh, vợ là bếp trưởng, các con phụ bố mẹ bưng bê, dọn dẹp… Mọi người đều hào hứng với những phần việc của mình làm. Đây cũng là cách Võ Hoài Nam dạy các con yêu công việc, quý trọng đồng tiền.

Võ Hoài Nam cũng từng thừa nhận mình là một người cực kì gia trưởng. Anh sống thẳng thắn nên luôn dạy con cũng sống thẳng thắn. Việc gia trưởng cũng phải đúng đắn nhưng không phải lúc nào mặt cũng hằm hằm mà đó là lựa lời khuyên dạy, uốn nắn để con tốt hơn. Nếu con phạm sai lầm thì đôi khi anh vẫn dùng “biện pháp mạnh”, nhưng trước đó là phải mắng thật to vì sợ tức giận quá sẽ đánh con đau.

Cách định hướng nghề cho con của nam diễn viên Võ Hoài Nam khiến nhiều người thán phục - Ảnh 3.

Gia đình diễn viên Võ Hoài Nam

Với anh “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên việc giáo dục con cũng có cách của riêng mình. Nói về cách định hướng nghề nghiệp cho con, NSƯT Võ Hoài Nam không áp đặt con mà để con tự tìm hướng đi. “Nhà có 4 đứa con, cậu cả sinh năm 2000 tôi thấy thích nghệ thuật, cô con gái thứ 2 có năng khiếu đam mê ca hát. Thấy các con có năng khiếu nhưng vợ chồng không muốn ép các con phải tiếp nối hướng đi của mình. Để các con phát triển một cách tự nhiên theo đam mê, sở thích của mình là điều quan trọng nhất.

Dại nhất của bố mẹ chính là hướng con theo cái mà bản thân mình thích. Đấy là sự áp đặt. Không phải bất cứ đứa trẻ nào sinh ra, lớn lên theo đúng hướng của bố mẹ đã định sẵn. Cha mẹ nên đầu tư cho con một cuộc sống cùng tri thức tốt và “ném” con mình ra ngã tư đường để tự phát triển. Ngay từ bé con cái có khả năng, năng khiếu sẽ xuất hiện ngay nên bố mẹ từ đó tự biết đầu tư cho con thay vì toan tính thiệt hơn theo ý thích” – Võ Hoài Nam từng bộc bạch.

Việc hướng nghiệp cho con là điều cha mẹ nào cũng rất chú trọng. Theo chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục con để con tự quyết định nghề nghiệp trong tương lai của mình trên cơ sở phân tích khoa học: năng lực của con, hứng thú, sự yêu thích cũng như nhu cầu của thị trường. Nếu con trẻ bày tỏ yêu thích với nhiều lĩnh vực khác nhau, cha mẹ có thể cho con trải nghiệm thực tế với các lĩnh vực đó.

Nếu con thích múa, hát cho con gặp vũ công, nhạc công để họ chia sẻ về năng lực cần có, môi trường làm việc… Tích cực để con trải nghiệm, nghi nhận điều con yêu thích cũng như năng lực mà con có và điều này cần càng sớm càng tốt. Khi đó con có thời gian trải nghiệm, suy nghĩ, lựa chọn. Việc hướng nghiệp cần bắt đầu sớm, có thể từ cấp tiểu học bằng việc cho con những hình dung, ý niệm về các ngành nghề khác nhau và trải nghiệm dần.

Rất nhiều phụ huynh nghĩ là chờ cho con đến THPT, thậm chí lớp 12 mới bắt đầu nghĩ đến những ngành, nghề mà con dự định sẽ học, làm trong tương lai là tốt nhất. Khi đó, nhiều bố mẹ lại định hướng theo những điều mà mình mong muốn con làm sẽ khiến trẻ không được thỏa đam mê. Việc thiếu hụt thời gian chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng nền tảng, thiếu hụt thông tin nghề nghiệp khiến nhiều trẻ không đạt được mục tiêu, theo đuổi được nghề như mơ ước của mình.