Con không về ăn Tết, cha mẹ già mỏi mắt ngóng trông

Xem bài viết

Hôm trước, thấy bà cụ – mẹ của hàng xóm xách túi đồ nặng đi trên đường, tôi xuống xe, dắt bộ để mang giúp đồ và đi cùng cụ. Hai bác cháu vừa đi vừa nói chuyện.

Qua lời cụ kể, tôi biết cụ sinh được hai người con. Con gái cụ ở cạnh nhà tôi, còn con trai thì lấy vợ, làm việc ở Hà Nội.

Sau khi con trai lập gia đình và sinh con đầu, muốn cho con cháu có chỗ ở tốt, gần nơi làm việc, hai cụ bán mấy sào vườn, chia cho con gái một phần nhỏ, còn phần lớn cho con trai mua căn hộ chung cư.

Con không về ăn Tết, cha mẹ già mỏi mắt ngóng trông - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Khang Chu Long

Khi chưa có nhà thì 1 năm vợ chồng con trai về vài lần vào các dịp lễ Tết và chỉ hôm trước, hôm sau là đi ngay vì con bảo ở quê bất tiện. Nhưng từ khi có nhà và sinh đứa thứ hai, cả nhà con trai chưa cùng về quê lần nào. Ở quê có việc, cũng chỉ một mình anh con trai về qua quýt, rồi lại đi ngay.

Năm ngoái, con trai nói sẽ về ăn Tết cùng, hai cụ mừng quá hẹn đụng hẳn một góc lợn, nuôi mấy chục con gà, trồng vườn rau đủ loại… để các con cháu về, sẵn có đồ sạch không phải đi mua. Gần Tết con trai lại điện báo không về nữa mà đi ngắm tuyết cùng bạn.

Mấy ngày Tết nhìn gia đình người ta sum vầy, nhà mình chỉ có hai thân già lủi thủi, cụ bà tủi thân không thiết gì ăn uống. Bao nhiêu giò, bánh để ôi thiu hết. Con gái cũng chỉ đến chốc lát rồi còn về quê chồng. Cụ bà định bắt xe mang đồ ăn cho cháu nhưng lại nghĩ, “chắc gì các cháu đã ăn. Có khi lại chê quà quê rồi ném vào thùng rác”.

Cách đây ít hôm, cụ ông điện thoại bảo bằng giá nào cũng phải cho cháu về quê ăn Tết để còn đi nhận họ hàng nội ngoại. “Ai đời con học đến lớp 1 rồi mà mọi người chưa biết cháu như nào. Cháu thì ở ngay Hà Nội chứ có xa xôi gì cho cam. Ông bà già rồi không thể đi lại như trước đây nữa”.

Anh con trai thấy bố bảo vậy thì nhận lời và hứa sẽ về. Vì thế, cụ chỉ đến nhà con gái chơi ít bữa rồi về nhà chăm vườn rau và đàn gà để đến Tết, các con cháu về có đồ sạch để ăn.

Dường như nói ra được những buồn tủi, ấm ức pha lẫn hờn giận, cụ thở hắt ra rồi hướng mắt nhìn về nơi xa. Chuyện đến đây thì cũng về đến nhà con gái cụ, tôi xách đồ vào, chào cụ rồi đi về.

Chiều hôm sau, nghe có tiếng gọi, ngó ra thấy cụ đứng trước cửa, tôi mời cụ vào nhà, cụ bảo sang chào rồi về quê. Thấy lạ tôi hỏi: “Sao hôm qua cụ bảo ở chơi ít ngày mà lại vội về vậy?”. Cụ rơm rớm nước mắt nói: “Hôm qua nói với bác như thế, nhưng sau bữa cơm tối, con gái tôi điện hỏi anh nó thì anh bảo, ‘không về được, chị đã đăng ký tour du lịch 10 ngày sang nước ngoài rồi'”.

Cụ nói đến đâu nước mắt rơi đến đấy. Nhìn người già khóc tôi thấy xót xa, nghĩ cảnh sau này mình già, con cái mình có vô tâm như vậy không? Tôi nghĩ thương cụ và cũng lo cho mình, không biết còn có bao nhiêu người mỏi mòn trông con về như cụ.

Nghĩ thật tội, cha mẹ sinh ra, nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho con mà con cái lại không quan tâm đến đấng sinh thành, cho rằng đấy là trách nhiệm của cha mẹ. Buồn thay! Ngẫm ra các cụ xưa có câu: “Có con mà gả chồng xa/Một là mất giỗ, hai là mất con”.

Nhưng con trai thì như nào cho đúng trong những trường hợp này? Không biết anh con trai của cụ nghĩ thế nào nếu đọc được bài viết của tôi.

Chủ quan khi vợ cảnh báo chớ nên ngoại tình, chồng gặp cái kết đắngChủ quan khi vợ cảnh báo chớ nên ngoại tình, chồng gặp cái kết đắng

Hoàng Thị (Ninh Bình)