Học được gì sau một cuộc tình tan vỡ

Xem bài viết

Học được gì sau một cuộc tình tan vỡ - Ảnh 2.

Không phải cuộc tình nào cũng đi đến cái kết tốt đẹp, tất nhiên là vậy. Trước khi tìm ra người đồng hành suốt chặng đường đời, ai trong chúng ta cũng trải qua một vài lần đổ vỡ. Có người day dứt mãi về câu chuyện cũ, tự trách bản thân về những gì đã qua. Và cũng có những người chọn cách dứt khoát từ bỏ.

Zing trò chuyện cùng 5 người trẻ với độ tuổi, sở thích, công việc khác nhau để lắng nghe câu chuyện mà họ nhận ra sau một cuộc tình không như mong đợi.

Sự cố gắng không nên đến từ một phía

Như Phương (23 tuổi, TP.HCM)

Học được gì sau một cuộc tình tan vỡ - Ảnh 3.

Như Phương biết rằng tình yêu không thể duy trì nếu sự cố gắng chỉ đến từ phía cô.

Tôi kết thúc chuyện tình với bạn trai sau 4 năm hẹn hò. Chia tay anh, tôi nhận ra nhiều thứ, đặc biệt là tình cảm không thể được vẹn toàn nếu sự vun đắp và cố gắng chỉ đến từ một phía.

Thời gian đó, tôi chìm đắm trong mối quan hệ yêu đương. Tôi không có thời gian để tập trung phát triển, yêu thương bản thân mình. Ngược lại, với tôi, anh ấy thiếu đi sự đầu tư vào tình yêu vì suy nghĩ “như vậy là đủ”.

Trước khi chia tay, lòng tôi đầy nỗi sợ. Tôi đối diện với sự cô đơn thường trực mỗi đêm về. Tôi từ bỏ hơi ấm mà mình đã kề cạnh suốt 4 năm qua. Thế nhưng, tôi biết rằng nếu trái tim mình còn hoài nghi, chắc chắn tôi sẽ chẳng thể vực dậy.

Hiện tại, tôi cảm thấy mình tự do, có nhiều thời gian hơn để làm một số việc mình yêu thích. Dù chuyện gì xảy ra, tôi vẫn muốn yêu và được yêu. Hy vọng người đàn ông đến với tôi trong tương lai sẽ là người có trái tim ấm áp.

Học cách tôn trọng cảm xúc của chính mình

Duy Hải (26 tuổi, TP.HCM)

Học được gì sau một cuộc tình tan vỡ - Ảnh 4.

Duy Hải chú ý đến cảm xúc cá nhân hơn sau khi chia tay bạn trai.

Tôi và bạn trai cũ ở bên nhau được 3 năm. Tôi tưởng rằng đây là khoảng thời gian đủ dài để chúng tôi có thể hiểu rõ về nhau. Thế nhưng, càng ngày tôi và anh càng nhận ra sự khác biệt. Hai đứa có nhiều suy nghĩ, quan điểm trái chiều dẫn đến nhiều cuộc tranh luận không hồi kết. Lúc tôi chọn cách buông xuôi, anh cũng từ bỏ, không níu kéo.

Trước khi đi đến quyết định chia tay đầy khó khăn đó, tôi và anh đã từng nhiều lần ngồi lại để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Cách biệt tuổi tác khá lớn nên cách chi tiêu, lối sống, sự yêu cầu được quan tâm, chiều chuộng của tôi khiến anh mệt mỏi.

Cuộc tình đổ vỡ dạy cho tôi nhiều điều, đặc biệt là việc tôi nên tôn trọng cảm xúc của chính mình hơn. Suốt thời gian yêu nhau, giờ tôi mới nhận ra anh đã thao túng tâm lý tôi thế nào và khiến tôi lệ thuộc vào anh ra sao.

Chỉ cần một cái cau mày từ anh, tôi sẵn sàng hủy hẹn với bạn mình. Chỉ cần anh nói tôi “đừng mua”, tôi lập tức từ bỏ món đồ yêu thích.

Lúc tôi nhận ra mình đang dựa dẫm vào cảm xúc của anh quá nhiều cũng là lúc cả hai bắt đầu rạn nứt. Tôi ước gì mình biết điều này sớm hơn, để thay đổi ngay từ ngày chúng tôi bắt đầu yêu nhau.

Hiện tại, tôi không đặt nặng mối tình tiếp theo của mình sẽ đến vào lúc nào, người ấy ra sao. Nhưng tôi biết mình cần chia sẻ suy nghĩ cá nhân của mình ngay từ đầu, học cách nói lên những cảm xúc của mình. Tôi mong rằng bài học từ cuộc tình thất bại lần trước sẽ giúp tôi có tình yêu bình yên hơn.

Học cách thỏa hiệp giữa đôi bên

Công Thành (30 tuổi, TP.HCM)

Học được gì sau một cuộc tình tan vỡ - Ảnh 5.

Công Thành đã có tình yêu mới, anh học cách thỏa hiệp với người yêu để duy trì tình cảm.

Tôi và người yêu cũ bên nhau một thời gian đủ lâu, hai bên gia đình đều biết về mối quan hệ và có những dự định cho tương lai. Thế nhưng, tôi đã lựa chọn đi tìm hạnh phúc mới và từ bỏ cô ấy vì những giới hạn tôi không nói ra.

Yêu nhau lâu, nhưng chúng tôi mãi vẫn không tìm được tiếng nói chung. Tần suất cãi vã không giảm đi, thậm chí còn tăng gấp nhiều lần. Cô ấy không hài lòng với sở thích của tôi, tôi lại không thích việc cô ấy quá khắt khe, cáu kỉnh. Đôi lúc vì yêu cô ấy, tôi nghi ngờ bản thân rằng mình chưa đủ tốt.

Sau tất cả, tôi biết cần học được cách “ngã giá” để có được cuộc tình sau tốt đẹp hơn.

Sự ngã giá ở đây với tôi như một cách để thỏa hiệp giữa đôi bên. Tôi hiểu việc không có ai là hoàn hảo. Chúng tôi cần chấp nhận những tính cách, sở thích, thói quen, lối sống của nhau. Từ đó, tôi và nửa kia của mình vạch ra những ranh giới nhất định để bản thân cả hai không phải khó chịu, gắt gỏng với nhau.

Tôi có thể đi chơi với bạn, nhưng không được ngủ bên ngoài. Cô ấy có thể giận dỗi, nhưng đừng im lặng dài ngày. Tôi cũng được đi chơi, thoải mái gặp gỡ bạn bè, miễn cô ấy biết rõ những mối quan hệ xung quanh của tôi.

Điều tôi tiếc nuối nhất trong mối quan hệ cũ chính là việc tôi đã không thẳng thắn chia sẻ những giới hạn của mình. Hiện tại, tôi đã có người yêu mới. Từ việc học cách thỏa hiệp, cuộc sống yêu đương của chúng tôi trở nên nhẹ nhàng và dễ thở hơn.

Từ bỏ cái tôi cá nhân

Ngọc Uyên (25 tuổi, TP.HCM)

Học được gì sau một cuộc tình tan vỡ - Ảnh 6.

Ngọc Uyên ước gì cô biết từ bỏ cái tôi cá nhân của mình sớm hơn.

Tôi và anh đã không còn là người yêu sau 3 năm gắn bó. Chúng tôi dừng lại chỉ vì cái tôi của mỗi người quá cao. Cả tôi và anh không còn đủ kiên nhẫn để hiểu cho đam mê, sự lựa chọn của đối phương nữa. Những cuộc cãi vã không hồi kết liên tục xuất hiện, không ai nhún nhường ai. Quá mệt mỏi, tôi nói với anh hai chữ “chia tay” mà tim quặn thắt.

Lúc đưa ra quyết định khó khăn đó, mặc dù tôi rất cương quyết và gay gắt, nhưng thật tâm tôi chỉ mong anh có thể mềm lòng, cả hai nhẫn nhịn một chút để cuộc tranh luận qua đi. Thế nhưng, những cảm xúc mệt mỏi khi ở cạnh nhau đã khiến chúng tôi đều không đủ can đảm quay lại.

Nhìn nhận lại mối quan hệ lúc đó với anh, tôi có chút tiếc nuối. Tôi ước gì mình có thể từ bỏ đi cái tôi cá nhân, học cách lắng nghe và thấu hiểu thật lòng. Sự nóng nảy, cá tính mạnh mẽ của tôi cũng chính là nguyên nhân đẩy mối quan hệ đến bờ vực. Tôi biết khi mình cần thật sự tôn trọng đối phương thì đối phương mới tôn trọng mình.

Sau mối quan hệ đó, tôi đã trải qua nhiều cuộc tình khác. Nhưng chắc chắn một điều, tôi đã luôn tìm cách hạ cái tôi cá nhân của mình xuống. Tôi lắng nghe nửa kia nhiều hơn và biết cách dung hòa cá tính của tôi với họ.

Học cách yêu bản thân

Trung Nhật (27 tuổi, TP.HCM)

Học được gì sau một cuộc tình tan vỡ - Ảnh 7.

Trung Nhật “F5” cuộc sống sau chia tay, anh chọn cách làm mới bản thân bằng cách tập thể dục, đi triển lãm, skincare…

Tôi và người ấy quyết định chia tay sau 4 năm gắn bó cùng nhau. Thời điểm đó, cả hai chúng tôi đều quá áp lực với công việc và nhiều nỗi lo toan khác.

Tình yêu của chúng tôi không có nhiều sự cãi vã, cũng vì tôi và cô ấy không chia sẻ quá nhiều với nhau. Chúng tôi cứ âm thầm chịu đựng và quên đi mất cốt lõi của tình yêu là sự đồng điệu về tâm hồn.

Tôi sợ đối phương cảm thấy phiền phức khi lắng nghe những vấn đề của mình. Vì lẽ đó tôi chọn cách giải quyết tất cả vấn đề một mình, để rồi dẫn đến cả hai ngày càng xa cách. Thời gian khủng hoảng đó, tôi đã bỏ bê bản thân, vùi đầu vào công việc, ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học.

Tôi nói ra lời chia tay và quyết định “F5” lại cuộc sống của mình. Thành thật mà nói, sắp xếp lại mọi thứ và cân bằng cuộc sống sau khi chia tay người yêu không hề dễ dàng.

Cuộc sống của tôi hiện nay có nhiều thay đổi. Tôi chọn cách làm mới hoàn toàn bản thân mình bằng cách tập thể thao, chạy marathon. Sắp tới đây tôi sẽ chinh phục cự ly 21 km tại Nha Trang.

Những ngày cuối tuần, thay vì vùi đầu vào công việc như trước kia, tôi cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Tôi thích đi khám phá, đi dạo một mình, thỉnh thoảng đến các triển lãm hoặc workshop đặc biệt. Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian tìm hiểu về skincare, thẩm mỹ để trở thành phiên bản tốt hơn.

Nếu tình yêu tìm đến tôi một lần nữa, tôi chắc chắn mình sẽ nói ra những khó khăn của bản thân, tìm sự gắn kết với người mình yêu và cùng với người ấy làm thật nhiều điều mới lạ.