“Nhưng chúng ta không biết tỉ lệ, bao nhiêu rum là vừa”. “Thì chúng ta sẽ làm theo kiểu mày mò, pha uống thử rồi thêm bớt cho tới khi đạt tiêu chuẩn”. “Như thế là chúng ta sẽ có một tiệm café rum bên bờ sông Đáy và có thể kinh doanh được”. “Đừng dại. Người nhà quê uống nước nụ vối chứ không uống café. Các cô cậu choai choai có thể uống rất đông do đua đòi, nhưng chúng không có tiền và sẽ ký nợ triền miên, thế là chúng ta phá sản. Thôi trước mắt vẫn phải vồ cà cuống kiếm tiền thôi”.
“Em hỏi thật nhé, anh có định cưới em không?” “Không phải định mà chúng ta sẽ có một đám cưới tử tế. Nhưng sao em lại hỏi chắc lép vậy?” “Em hỏi để biết và để có cách ứng xử thích hợp. Nếu anh chỉ chơi bời cho vui thôi thì em sẽ giữ một khoảng cách khá xa với anh. Em thấy anh chưa chuẩn bị gì để cưới em cả. Ngay cả nhà em ở đâu, bố mẹ em là ai anh cũng chưa biết”. “Anh xin lỗi. Chủ nhật này anh sẽ lên Hòa Bình để trình diện bố mẹ vợ”. “Nhỡ bố mẹ em không gả thì sao?” “Nếu ông bà không gả thì anh sẽ cài mìn”. “Anh điên à! Định đặt mìn vào nhà em sao?” “Không phải đặt mìn vào nhà em mà anh sẽ đặt một đứa con vào trong bụng em và thế là ông bà phải gả thôi”. Trang phì cười: “Anh nói nghe dễ lắm. Có phải muốn là được đâu. Có bao nhiêu đôi đã đi hết viện nọ đến viện kia mà vẫn chưa có em bé đấy”. “Đó là người ta. Còn anh thì máy móc cực tốt”. “Đã thử ở đâu rồi mà biết là máy tốt”. “Chưa thử ở đâu cả. Nhưng cứ nhìn vào bố anh thì đủ biết. Trong một thời gian không dài mà ông ấy đúc được 6 người con, 3 trai 3 gái. Máy móc của Nguyễn Bá là tài sản gia truyền”. Trang đấm vai Bá và cười giòn: “Một mình anh mà đẻ được chắc. Còn em nữa chứ”. “Em thì làm sao? Chẳng nhẽ em bị điếc à?” “Đã thử đâu mà biết điếc hay sáng”. “Vậy hôm nào thử nhé!” “Đừng hòng. Thử xong rồi bỏ của chạy lấy người. Em chả dại”. “Nói chuyện thực tế nhé. Anh sẽ lên thăm bố mẹ em, sau đó bố trí bố mẹ anh lên thăm bố mẹ em và người lớn 2 gia đình sẽ nói chuyện với nhau. Sau khi tốt nghiệp, chúng ta sẽ tổ chức lễ cưới”. “Nói như thế thì nghe được”.
(Còn nữa)