Món đồ cất kín trong két sắt của mẹ và nỗi uất ức suốt 12 năm ròng rã của đứa con gái

Xem bài viết

Một ngày mưa tầm tã đầu tháng 8 cách đây 12 năm. Tôi lò dò ngồi gõ số báo danh tra điểm thi đại học. Chiếc máy tính cũ của bố chạy chậm rì, tôi nóng ruột nhìn vòng chuột xoay tít.

– Đỗ rồi. Mẹ ơi con đỗ rồi! Con trúng tuyển đại học rồi!

Nghe tiếng tôi la lên, bố đang nằm võng ngủ liền bật dậy. Ông nhìn kết quả trên màn hình thấy tôi thừa hẳn 1 điểm liền nở nụ cười vô cùng hạnh phúc. Đứa em gái nhỏ ngơ ngác hỏi chị đỗ cái gì, tôi liền bảo sẽ đưa nó đi chơi ăn mừng. Đàn cún mới đẻ cũng ọ ẹ chia vui, tôi vui quá nên nằm bò ra ôm chúng.

Món quà lặng lẽ trong két sắt của mẹ và nỗi uất ức hóa thành trận lụt sau 12 năm ròng - Ảnh 1.

Giữa cảnh tượng hân hoan ấy, mẹ tôi là người duy nhất không phản ứng gì. Bà bình thản đứng trong bếp nấu ăn, tôi chạy vào ríu rít khoe tiếp nhưng thứ nhận về chỉ là câu sai vặt: “Dọn mâm đi còn ăn cơm”.

Bố bảo mở tiệc mừng con gái cả đậu đại học, mẹ chỉ lạnh nhạt gật đầu. Tuy tôi không quá giỏi giang song đó là tất cả những gì tôi cố gắng. Tôi tưởng mẹ sẽ hài lòng lắm, nhưng tuyệt nhiên bà không nở một nụ cười hay khen con gái nửa câu. Bữa cơm diễn ra trong im lặng. Rồi 1 tháng sau đó tôi khăn gói lên thủ đô để nhập trường.

Cuộc sống sinh viên của tôi khởi đầu không mấy tốt đẹp. Bắt đầu từ chuyện đi thuê nhà. Vì chẳng có họ hàng thân quen nào ở Hà Nội nên tôi bảo mẹ đi cùng mình lên tìm chỗ trọ. Hơn 10 năm trước tôi mới chỉ có điện thoại cục gạch, làm gì đã biết dùng Facebook để tìm phòng online đâu. Thế nhưng mẹ dường như không quan tâm, bà âm thầm gọi điện cho ai đó nhờ kiếm chỗ trọ. Khoảng 1 tuần thì họ gọi lại, tôi háo hức bắt xe lên thành phố.

Trái với tưởng tượng của tôi, căn phòng trọ bé như cái mắt muỗi và nằm trên tầng 3 của một khu tập thể Nghĩa Tân cũ. Cầu thang lên tối om, ẩm mốc, tôi sợ hãi ôm chặt lấy balo. Hành lý của một con bé 18 tuổi khi ấy chỉ có vài bộ quần áo kèm theo 1 triệu lộ phí mẹ đưa. Chú bạn mẹ giới thiệu chủ nhà, là một bà cụ sống độc thân cùng con mèo.

Sinh hoạt ở đó hơi bất tiện vì bà cụ khá khó tính. Tôi mở đèn học bài muộn bị bà quát, nấu ăn lâu một chút cũng bị mắng. Đạp xe đi học về phải dắt lên tận tầng 4. Phơi đồ thì ban công chật, con mèo của bà cứ cào móng khiến đồ tôi rách thủng lung tung. Tôi than phiền với bố mẹ nói muốn đổi chỗ. 1 tháng sau mẹ lên giúp tôi tìm phòng khác luôn.

Ở nhà bà cụ có đồ đạc sẵn nhưng chuyển sang phòng mới thì trống trơn. Mẹ dắt tôi đi mua ít đồ dùng mới, vẫn lạnh lùng xa cách khó hiểu. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra nhưng từ lúc tôi đỗ đại học thì thái độ mẹ khác hẳn. Một cuộc gọi về nhà cũng khiến tôi đắn đo, bởi chỉ có bố và em gái nhiệt tình hỏi thăm tôi đủ thứ.

Và điều khiến tôi buồn nhất chính là sinh hoạt phí eo hẹp mẹ gửi hàng tháng. Chỉ vỏn vẹn 700-800 nghìn mà thôi!

Món quà lặng lẽ trong két sắt của mẹ và nỗi uất ức hóa thành trận lụt sau 12 năm ròng - Ảnh 3.

Gia đình tôi không phải giàu có nhưng cũng không hề nghèo. Từ bé chị em tôi đã được chăm lo đủ đầy, chẳng bao giờ thiếu thốn gì cả. Trừ tiền thuê nhà tính riêng thì khoản tiền vài trăm nghìn ấy không đủ để tôi ăn uống giữa Hà Nội. Mỗi tuần chỉ dám tiêu 200 nghìn cho tất cả mọi thứ, dần dần tôi thấy ngột ngạt mệt mỏi vô cùng. Không đếm nổi những cuộc tranh cãi giữa tôi và mẹ suốt 4 năm. Lý do mẹ đưa ra cho việc bắt tôi chi tiêu tằn tiện là vì… không muốn con cái ăn chơi đua đòi.

Cắt cái tóc cũng hết gần trăm nghìn. 2 bữa mỗi bữa 20 nghìn, tôi cố gắng lắm cũng chẳng thể ăn no. Không đếm nổi bao nhiêu bữa đi học về trưa đói lả, tôi móc cả người chỉ có 10 nghìn đủ mua 1 cốc chè. Loanh quanh mãi rau trứng đậu, thi thoảng tôi mới dám “ăn sang” bằng 50 nghìn thịt lợn, thịt gà. Còn thịt bò thì là thứ xa xỉ tôi chỉ biết đi qua chợ và thèm… Từ một đứa 50kg, tôi sụt xuống chỉ còn 39kg. Về quê chơi ai cũng xì xào nói tôi thế này thế kia, thậm chí hàng xóm đồn tôi “sa đọa” trên thành phố nên mới gầy còm như thế!

Tôi bắt đầu rơi vào trầm cảm. Áp lực học hành, áp lực chi tiêu, áp lực chuyện tình cảm thời gian ấy. Hơn hết lúc nào trong đầu tôi cũng quay quắt với câu hỏi “Tại sao mẹ lại không cho thêm tiền?”. Tôi đâu phải đứa hư hỏng, so với những đứa bạn khác được cho hẳn 2 triệu/ tháng thì tôi ghen tị vô cùng… Tại sao mẹ lại đối xử với con gái ruột như thế chứ?

Vô vàn suy nghĩ tiêu cực thắc mắc cứ đeo bám tôi cho đến tận bây giờ. Nhớ về những tháng ngày cực khổ, ở cái phòng trọ còn thủng trần tồi tàn đến nỗi đang ngủ chuột rơi vào đầu, tôi lao vào kiếm tiền bất chấp. Lương tháng tôi đổ hết vào ăn tiêu bù lại những tháng ngày đói khổ, chỉ dành lại một ít phòng thân. Ra trường gần chục năm tôi không còn xin mẹ bất kỳ thứ gì nữa. Tôi từ chối cả việc mẹ gói ghém quà quê cho tôi mang lên thành phố. Vết sẹo trong lòng quá sâu đến mức nhiều lúc tôi cho rằng mẹ không thương con gái.

Món quà lặng lẽ trong két sắt của mẹ và nỗi uất ức hóa thành trận lụt sau 12 năm ròng - Ảnh 4.

Khoảng cách giữa tôi và mẹ ngày càng xa và sâu như cái vực. Do chính tôi và mẹ tự đào. Mỗi người 1 phía, tự cầm xẻng đào khiến cái vực cứ rộng hoác ra. Cho đến khi mẹ phát hiện mắc ung thư cách đây 2 tháng, nút thừng rối trong lòng tôi đã được gỡ bỏ một cách diệu kỳ.

– Mẹ bị ung thư rồi Diệp ạ.

– (im lặng).

– Con vẫn không muốn chia sẻ với mẹ điều gì à? Mẹ không ngủ được nên nhớ con.

Tôi òa khóc khi đọc tin nhắn ấy. Đã bao lâu rồi mẹ mới bộc lộ tình cảm như thế? Hà Nội bỗng mưa như trút, nước dâng lên ngập tận đầu gối. Tôi vừa lội nước về phòng trọ vừa khóc, muốn chạy ngay về ôm mẹ. Chuông điện thoại reo. Màn hình hiện tên mẹ mà tôi chẳng dám nghe. Chợt nhận ra tôi lưu tên mẹ thật nhạt nhòa, như để trút nỗi ấm ức trẻ con ngày xưa vậy…

Vừa phát hiện ung thư tuyến giáp thì mẹ tôi mổ luôn. Bố và em gái không thể lên Hà Nội nên chỉ có mình tôi vào viện chăm mẹ. Vết mổ lành xong tôi lại thuê xe đưa mẹ về quê. Bác sĩ nói bệnh mẹ chữa khỏi được nên tôi thở phào nhẹ nhõm. Tối ăn cơm dọn dẹp xong tôi lên phòng, đi ngang qua buồng thấy mẹ đã ngủ. Một mảnh giấy nhỏ để trên gối, nét chữ của mẹ vẫn ấm áp như ngày tôi còn học cấp 1.

“Mã két sắt của mẹ là xxxxx, mai mẹ đi lễ chùa với các cô trong xóm, con tự xem nhé”.

Bố đi có việc từ sớm, em gái đi học, ngủ dậy chỉ còn mỗi tôi trong nhà. Chậm rãi bấm mã két, cửa bật mở tôi thấy một tập hồ sơ. Bên trong là giấy tờ quan trọng như sổ đỏ, sổ tiết kiệm của mẹ. Và một tờ di chúc kẹp trong lá thư khác nữa.

Thì ra bao năm qua tôi đã hiểu nhầm mẹ. Lúc tôi đỗ đại học thì bố mẹ định âm thầm ly hôn, do bố nợ nần bên ngoài quá nhiều khiến mẹ kiệt sức. Chị em tôi không hề hay biết, vẫn luôn nghĩ gia đình mình êm ấm vui vẻ. Vì tôi đỗ đại học nên mẹ lại cắn răng ở lại, làm thêm đủ việc để tích cóp từng đồng. Mẹ biết số tiền hàng tháng cho tôi ăn học quá ít, nhưng không còn cách nào khác cả. Bà phải nuốt nước mắt ngược vào lòng để nuôi 2 đứa con gái, vừa trả nợ vừa lo đủ thứ khác nữa. Bố tôi khá vô tâm nên ông chẳng bao giờ nghĩ xem vợ con cực nhọc với cuộc sống thế nào…

Khi mới biết bị ung thư, mẹ đã gạt nước mắt chuẩn bị hết mọi thứ để bù đắp cho tôi. Mẹ biết tính tôi mạnh mẽ gai góc nên không thể tâm sự để giải thích chuyện quá khứ, bà đành lặng lẽ tặng tôi món quà đặc biệt. Năm nay tôi tròn 30 tuổi, mẹ quyết định sang nhượng ngôi nhà cho tôi, sổ tiết kiệm cũng đứng tên tôi. Bao năm mẹ đã tích cóp được một chút, và tất cả bà để dành cho tôi. Bà dặn tôi phải chăm lo tốt cho em gái, nếu lỡ không còn mẹ nữa thì 2 chị em phải thương quý lẫn nhau…

Hồ Hòa Bình mở cửa xả lũ thứ 5