Nhiều Gen Z mặc kệ chuyện hôn nhân, con cái

Xem bài viết

Nhiều Gen Z mặc kệ chuyện hôn nhân, con cái - Ảnh 1.

Nhiều Gen Z không còn kỳ vọng vào tương lai ổn định. Ảnh: Polina Tankilevitch/Pexels.

Khoảng 86% thực tập sinh Gen Z cho rằng suy thoái đang kéo đến, theo kết quả khảo sát thực tập toàn cầu năm 2022 của Goldman Sachs với hơn 2.470 thực tập sinh trong mùa hè, CNBC đưa tin.

Thực tế trên khiến nhiều người trẻ bắt đầu cân nhắc thiết lập lại dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.

Vào năm 2018, 88% thực tập sinh của Goldman Sachs cho biết họ dự kiến kết hôn hoặc thiết lập mối quan hệ chính thức trong 10 năm tới. Tuy nhiên, vào năm 2022, kỳ vọng đó giảm mạnh chỉ còn 45%.

Vào năm 2021, 60% người tham gia khảo sát cho biết mong muốn được nuôi một con vật cưng và 57% tin rằng họ sẽ có con trong 10 năm tới. Trong lớp thực tập sinh năm nay, kỳ vọng nuôi thú cưng giảm còn 31% và chỉ có 25% mong muốn trở thành cha mẹ.

Christine Cruzvergara, giám đốc chiến lược giáo dục tại Handshake – nền tảng tìm kiếm việc làm cho sinh viên đại học – nhận định đây là xu hướng thú vị đối với sinh viên Gen Z, những người luôn lo lắng trong ngắn hạn nhưng tự tin lâu dài về công việc và cuộc sống của mình.

Một giả thuyết được Cruzvergara đưa ra là khi bị tấn công bởi những tin tức tiêu cực về nền kinh tế, họ không còn tập trung vào những cột mốc dài hạn đó, hoặc cảm thấy khó nghĩ về nó.

“Kết hôn, ổn định cuộc sống, mua nhà – tất cả đều cần đến sự ổn định tài chính”, bà nói.

Hơn nữa, trước tin tức về lạm phát và sa thải hàng loạt, 74% sinh viên sắp tốt nghiệp vào năm 2023 bày tỏ lo lắng khó tìm được một công việc tốt và ổn định lâu dài, theo báo cáo của Handshake .

Gen Z không ưu tiên các mối quan hệ lãng mạn, nếu có cởi mở với một mối quan hệ, họ cũng muốn nó xảy ra tự nhiên.

Nhiều Gen Z mặc kệ chuyện hôn nhân, con cái - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ vướng nợ nần vì chi phí hẹn hò tăng cao. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Theo khảo sát thực tập sinh của Goldman Sachs, đa số người trẻ mong đợi gặp trực tiếp người yêu ngoài đời (52%) thay vì qua người quen mai mối (30%) hoặc trên ứng dụng hẹn hò (6%).

Cassidy Case, một sinh viên 20 tuổi tại Đại học Bang Arizona, nhanh chóng quay lại tìm mối hẹn hò sau thời gian ngắn chia tay, nhưng cô nhận ra mình ghét dùng app. “Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu gặp được người yêu thông qua các hoạt động và giao tiếp ở đời thực”, cô nói.

Case và tất cả bạn bè xung quanh cô đều đồng ý rằng ứng dụng hẹn hò không phải nơi họ mong đợi để gặp được tình yêu của đời mình. “Vì vậy, chúng tôi đã xóa nó”.

“Do lạm phát, chi phí cho việc đi chơi cũng có thể giết chết trò chơi hẹn hò”, Oliver Sims (21 tuổi), sinh viên năm cuối tại Đại học Arkansas, cho biết.

Thật vậy, 19% Gen Z, tuổi từ 18 đến 25, nói rằng họ đã mang nợ sau khi đầu tư cho những cuộc hẹn hò, theo một cuộc khảo sát của Lendingtree vào tháng 9.

Thay đổi mục tiêu sống

Nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z cũng đang thay đổi mục tiêu truyền thống thành các kỳ vọng mà họ có thể kiểm soát tốt hơn.

Sarah Wang (21 tuổi), sinh viên năm cuối tại UCLA, khá lạc quan về kế hoạch sau đại học của mình. Nếu không tìm được công việc đúng đam mê, cô tự tin có thể thiết kế một vai trò khác trong nền kinh tế sáng tạo.

Wang tập trung khám phá các công việc giúp cô có sự linh hoạt: “Tôi xem công việc là cơ hội để đi du lịch và sống ở những nơi khác nhau trên khắp đất nước”.

Nói cách khác, ổn định cuộc sống thông qua kết hôn, sinh con hay nuôi thú cưng không nằm trong tầm ngắm trước mắt của cô. Thay vào đó, Wang muốn kết giao nhiều bạn khác và nâng cao năng lực bản thân khi đến một vùng đất mới.

Nhiều Gen Z mặc kệ chuyện hôn nhân, con cái - Ảnh 5.

Gen Z thay đổi mục tiêu cuộc đời một cách linh hoạt. Ảnh: Polina Tankilevitch/Pexels.

Phát biểu với tư cách một sinh viên mới tốt nghiệp, Jade Walters đồng ý rằng kiểm soát sự nghiệp đồng nghĩa với phải giảm bớt ưu tiên các mục tiêu sống khác.

Trong những tháng cuối cùng ở Đại học Howard, cô gái 23 tuổi đã khởi động “Học kỳ thứ 9” – nguồn lực đầu tiên cho người lao động thế hệ Gen Z. Walters hiện làm việc toàn thời gian tại công ty ở Chicago, đồng thời xây dựng công việc kinh doanh của riêng mình.

“Mục tiêu của tôi vào hai năm trước khác với bây giờ. Cuộc sống sau tốt nghiệp đã khiến tôi trở nên thực tế hơn. Tôi chỉ muốn tập trung cho thực tại”, cô nói.

Bị ném vào một nền kinh tế hỗn loạn và thị trường việc làm khó khăn, rất nhiều người trẻ vẫn còn băn khoăn về những gì mình sẽ làm trong 5 năm tới. Thay vào đó, họ mong muốn tận hưởng và sống hết mình cho thực tại.

Với thị trường việc làm không ổn định, những người trẻ tuổi có xu hướng tập trung vào ngắn hạn, “tận hưởng cuộc sống ở độ tuổi 20” và thực hiện hành trình khám phá bản thân.

Khi thế giới mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 giảm bớt, Gen Z có thể lạc quan vào tương lai dài hạn. Tuy nhiên, nhóm này có thể cảm thấy mệt mỏi do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch đối với cách chúng ta sống và tương tác.

Bố vợ chiều con rể hết nấc: Lắp cả thang máy vì con rể than thở đi thang bộ mệtBố vợ chiều con rể hết nấc: Lắp cả thang máy vì con rể than thở đi thang bộ mệt

Theo Zingnews