Những 'kẻ đánh bom' trong tình yêu

Xem bài viết

Những 'kẻ đánh bom' trong tình yêu - Ảnh 1.

“Kẻ đánh bom” thường tìm cách thao túng đối phương qua hành động tặng quà, bày tỏ tình cảm. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

“Anh ấy luôn khen ngợi, tặng quà đều đặn từ ngày đầu làm quen. Tôi rất vui, nhưng quả thực khó tránh khỏi cảm giác kỳ lạ”.

“Cô ấy liên tục nhắn tin cho tôi. Đôi khi điều đó thật tuyệt vì chứng tỏ tôi luôn xuất hiện trong tâm trí của em. Tuy nhiên, việc này lại khá mất thời gian. Tôi cũng dễ bị giận dỗi nếu không trả lời liên tục”.

“Tôi và nửa kia đang dành quá nhiều thời gian cho nhau. Có khi nào họ đang cố cô lập tôi với gia đình và bạn bè thân thiết?”.

Nếu cũng có những suy nghĩ, chia sẻ tương tự, rất có thể bạn đã rơi vào bẫy của một “kẻ đánh bom tình yêu”. “Đánh bom” thực chất là một hình thức thao túng tình cảm. Hành vi này thường có những dấu hiệu đặc trưng: thể hiện tình cảm, quan tâm quá đà hoặc tặng quà liên tục.

Đây đơn giản chỉ là cách để họ nhanh chóng giành quyền kiểm soát trong tình yêu. Nếu không sớm nhận biết và ngăn chặn, bạn dễ dàng chìm đắm trong mối quan hệ độc hại.

Dưới đây là một số cách chống lại những “kẻ đánh bom”, theo Psychology Today.

Những 'kẻ đánh bom' trong tình yêu - Ảnh 3.

Hãy thử từ chối sự dồn dập của đối phương để biết họ là “kẻ đánh bom” hay không. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.

Thử từ chối

Nhằm xác định đây thực sự là “đánh bom” hay chỉ là thái độ phấn khích, “bám” người yêu vô hại, bạn hãy thử vài phép kiểm tra nhỏ.

Ví dụ, bạn có thể nhẹ nhàng nói rằng mình chưa sẵn sàng cho sự thể hiện tình cảm mãnh liệt khi mối quan hệ vừa chớm nở.

Sau đó, bạn cần quan sát kỹ biểu cảm cũng như lời nói của họ sau đó. Nếu nửa kia chỉ có chút thất vọng, song vẫn chủ động làm theo yêu cầu, bạn có thể yên tâm.

Tuy nhiên, nếu họ gay gắt, cố chấp và tìm cách thuyết phục, bạn nên bắt tay vào kế hoạch bảo vệ chính mình.

Những 'kẻ đánh bom' trong tình yêu - Ảnh 4.

Bạn cần xác định ranh giới, yêu cầu họ tôn trọng điều đó. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Xác định ranh giới

Nghiên cứu từ Đại học Arkansas (Mỹ) cho thấy hành vi “đánh bom” đặc biệt phổ biến ở người có lòng tự tôn thấp. Họ luôn khao khát tìm kiếm sự công nhận từ cá nhân khác.

Nếu không, nhóm này sẽ luôn tin mình không có giá trị gì trong lòng đối phương.

Khi nhận thấy mình là nạn nhân, bạn cần lên tiếng càng sớm càng tốt. Hãy trò chuyện thẳng thắn về kỳ vọng của mình đối với sự riêng tư, lãng mạn trong mối quan hệ.

Đồng thời, bạn nên cho họ biết rằng còn nhiều thứ khác để quan tâm ngoài tình yêu.

Chẳng hạn, hãy thử bắt đầu thiết lập ranh giới như thế này:

Anh cần tập trung nhiều hơn cho công việc. Nhắn tin rất vui, nhưng chúng ta cần giảm tần suất lại. Hai đứa mình cần dành thêm thời gian cho bạn bè, gia đình. Anh/em không muốn mối quan hệ quá dồn dập. Tụi mình vẫn nên cân đối thời gian cho những thứ khác trong cuộc sống. 

Những 'kẻ đánh bom' trong tình yêu - Ảnh 6.

Chia tay là lối thoát phù hợp nếu đối phương vẫn tiếp tục “đánh bom”. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Kết thúc mối quan hệ

Nếu đối phương cố chấp, tiếp tục tìm cách vượt qua ranh giới, đã tới lúc để bạn rời đi. Việc này có thể hơi khó khăn, bởi chính bạn cũng có tình cảm, mong muốn gắn bó cùng họ.

Tuy nhiên, hãy tin đây là quyết định có thể cứu lấy bạn khỏi những tình huống khó xử, nguy hiểm trong tương lai.

Chúng ta không biết được “kẻ đánh bom” sẽ có thể làm gì để tranh giành sự chú ý, cũng như kiểm soát người yêu.

Đồng thời, đừng thấy tội lỗi khi từ bỏ họ. Đây đơn giản là cách để bạn yêu thương, bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.

Chẳng có mối quan hệ nào thực sự bền vững, lành mạnh khi có một bên là kẻ thích thao túng, kiểm soát.

Những 'kẻ đánh bom' trong tình yêu - Ảnh 8.

Hãy chia sẻ chân thành, lắng nghe cảm xúc của đối phương nếu bạn có xu hướng kiểm soát mối quan hệ. Ảnh: Timur Weber/Pexels.

Nếu tôi là “kẻ đánh bom”?

Thực tế, bạn khá may mắn khi tự nhận thức vấn đề của mình. Đây là một số cách giúp bạn và người ấy cùng cải thiện tình hình:

Nâng cao sự tự nhận thức: Đây là một thói quen rất khó thay đổi, bởi nó gắn liền với tâm lý và nhiều vấn đề trong quá khứ.

Bạn cần liên tục “kiểm điểm”, nhìn nhận những hành động, suy nghĩ của mình. Hãy luôn nghĩ về hậu quả nếu tiếp tục thao túng mối quan hệ. Nếu được, hãy nhờ đối phương lên tiếng can thiệp mỗi khi bạn có xu hướng “đánh bom”.

Tập trung vào quá trình thay đổi: Bạn nên sắp xếp thời gian cho những buổi tham vấn tâm lý cùng chuyên gia. Họ sẽ thấu hiểu và cho lời khuyên phù hợp với tình trạng cá nhân và đôi bên.

Đồng thời, trung thực là yếu tố quan trọng trong hành trình thay đổi. Nếu luôn lo âu, sợ nằm “kèo dưới”, bạn cần chia sẻ để tâm lý gia và nửa kia kịp thời hỗ trợ.

Chân thành với đối phương: Đừng ngần ngại hỏi xem hành động của mình có khiến họ áp lực hay tổn thương không. Hãy xem những góp ý này là động lực để bạn thay đổi. Bởi nếu đã đi đến bước này, rõ ràng bạn vẫn coi trọng, mong muốn cải thiện mối quan hệ.

Hoàng Kỳ