Những người đàn ông nghỉ việc, ở nhà nội trợ

Xem bài viết

Những người đàn ông nghỉ việc, ở nhà nội trợ - Ảnh 1.

Ở Hàn Quốc, ngày càng nhiều đàn ông chọn ở nhà nội trợ, theo Korea JoongAng Daily.

Trong số những nam giới “không hoạt động kinh tế”, 215.000 người cho biết họ không làm việc vì phải gánh vác công việc gia đình, theo một báo cáo thống kê do Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc (KOSIS) công bố ngày 15/2.

17.000 người trong số đó cho hay họ không đi làm để nuôi dạy con cái toàn thời gian. So với một năm trước đó, tỷ lệ đã tăng thêm 21,4%. Đây cũng là con số cao nhất từng được ghi nhận, kể từ khi KOSIS bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1999.

Những người đàn ông nghỉ việc, ở nhà nội trợ - Ảnh 2.

Con số nam giới Hàn Quốc chọn ở nhà nội trợ được ghi nhận đang tăng theo từng năm. Ảnh: Korea Times.

Chồng ở nhà, vợ đi làm

Yoon Keun-byul (39 tuổi), từng là một giáo viên bán thời gian, đã nghỉ việc vào năm 2020 để ở nhà chăm sóc cô con gái 3 tuổi.

“Các đồng nghiệp của tôi, bao gồm cả người vợ làm giáo viên toàn thời gian, đều phản đối quyết định này”, Yoon kể lại, nói thêm rằng mình phải mất một thời gian dài để thuyết phục vợ.

Lý do đằng sau lựa chọn này là thời gian với con cái là “quý giá” và “tiền có thể kiếm được sau này”.

Lee Seung Bin, một nhà phát triển game 41 tuổi, sẽ sớm ở nhà lo việc bếp núc, chăm sóc nhà cửa sau khi nộp đơn nghỉ việc trong thời gian tới. Trong gia đình, Seung Bin chuẩn bị nhận nhiệm vụ chăm sóc cho đứa con đầu lòng sắp vào lớp 1 vào tháng 3 tới và chờ người con thứ hai dự kiến chào đời vào tháng 6.

Anh quyết định nghỉ việc sau khi thảo luận vấn đề này với vợ, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực IT.

“Tôi nghĩ kiếm tiền và bảo vệ gia đình là những điều khiến tôi trở thành một người cha tốt. Suy nghĩ của tôi đã thay đổi rất nhiều trong lần đầu tiên vợ nghỉ sinh con”, người đàn ông cho hay.

Những người đàn ông nghỉ việc, ở nhà nội trợ - Ảnh 4.

Tư tưởng nam giới thống trị khiến đàn ông chọn ở nhà làm nội trợ, chăm con bị khinh thường tại Hàn Quốc. Câu chuyện đang dần thay đổi. Ảnh: SCMP.

Sự gia tăng số lượng các ông bố nội trợ ở xứ kim chi có sự khác biệt với sự gia tăng khi nhiều nam giới buộc phải nghỉ việc và ở nhà do khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Năm 2013, khoảng 144.000 nam giới cho biết họ không đi làm để chăm sóc tổ ấm. Con số vào năm 2018 là 166.000 người và 232.000 người vào tháng 1 năm nay.

Khoảng 7,32 triệu phụ nữ là nội trợ trong năm 2013 và con số này giảm dần xuống còn 6,98 triệu người, tính đến tháng 1 năm nay.

Thay đổi định kiến

Seok Jae-eun, Giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Hanlim, cho biết: “Dữ liệu cho thấy sự phân công lao động theo giới dựa trên định kiến giới gia trưởng đang bị xóa bỏ trong nhóm dân số trẻ.

Khi ngày càng nhận thức được bình đẳng giới, thì càng có nhiều nam giới nghiêng về việc chăm sóc trẻ sơ sinh và làm việc nhà”.

Tại Hàn Quốc, những người đàn ông nội trợ từng bị coi là “kẻ bỏ đi”, thiếu bản lĩnh và “núp bóng” vợ. Trong khảo sát “Liệu một người đàn ông ở nhà toàn thời gian để chăm sóc con cái có bị coi là thất bại?” của công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Ipos, Hàn Quốc đứng đầu danh sách đồng tình với tỷ lệ 76%, theo VICE.

Nguyên nhân là tư tưởng nam giới thống trị đã in sâu vào ý thức người dân Hàn Quốc qua nhiều thế kỷ. Công thức về gia đình cũng rập khuôn sẵn với hình ảnh người vợ đảm đương nội trợ và người chồng nắm vai trò quyết định mọi việc trong nhà.

Những người đàn ông nghỉ việc, ở nhà nội trợ - Ảnh 6.

Cặp vợ chồng xem máy tiệt trùng bình sữa trong một hội chợ sản phẩm dành cho trẻ em được tổ chức phía nam Seoul. Ảnh: News1.

Tuy vậy, số phụ nữ Hàn Quốc ở nhà nội trợ vẫn áp đảo số lượng ông chồng làm công việc tương tự, với tỷ lệ cao gấp 30 lần.

Với tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 0,78, mức thấp nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, các chuyên gia đánh giá điều quan trọng là phải phát triển các vai trò.

Jung Jae-hoon, giáo sư chuyên về phúc lợi xã hội tại Đại học Nữ sinh Seoul, cho biết: “Còn quá sớm để kết luận việc đàn ông chăm sóc trẻ sơ sinh và làm việc nhà đang phổ biến ở Hàn Quốc. Chúng ta cần học theo mô hình các nước châu Âu khuyến khích cả hai giới tham gia chăm sóc con bằng cách giảm giờ lao động, cho phép cha mẹ nghỉ phép hoặc linh hoạt giờ làm việc”.

Giáo sư Seok nói thêm xã hội Hàn Quốc nói chung cần thúc đẩy việc nuôi dạy con cái cho tất cả ông bố, bà mẹ, thay vì dồn trách nhiệm cho người ở nhà.