Rùng mình trước những hành vi tàn độc của cha mẹ phạt con khi phát hiện trẻ ăn trộm

Xem bài viết

Đánh đập, đốt con khi nghe thấy con ăn trộm

Vụ việc cháu bé N.A.H, 10 tuổi ở Lâm Đồng bị chính người cha ruột bạo hành dã man đang gây bức xúc dư luận. Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thành Luân (37 tuổi) để điều tra về hành vi hành hạ trẻ em. Trước đó, vào tối ngày 19/10, người bố đi nhậu về nghe vợ nói con mình lấy trộm 100 nghìn đồng. Ngay lập tức người bố đã dùng tay đánh nhiều lần vào mặt và mông của con. Sau đó lại bắt con cởi hết quần áo, quỳ xuống sàn nhà đánh tiếp.

Không dừng lại ở đó, người bố này còn dùng dây thắt lưng buộc vào cổ kéo ra hành lang căn hộ… để “phạt” con. Camera an ninh của chung cư đã ghi lại toàn bộ sự việc. Chứng cứ thu thập được của cơ quan chức năng cũng đã cho thấy, người bố này nhiều lần dùng cây, gậy đánh con trai và đang chấp hành án treo về tội gây rối trật tự công cộng. Trên khắp cơ thể của bé H bầm tím với nhiều vết thương.

Rùng mình trước những hành vi tàn độc của cha mẹ phạt con khi phát hiện ăn trộm - Ảnh 2.

Sự việc người cha ở Lâm Đồng bạo hành con khi biết con ăn trộm khiến dư luận bức xúc. Ảnh TL

Sự việc trên không phải lần đầu xảy ra vụ việc trẻ em bị bạo lực khi bị cha mẹ phát hiện ăn trộm. Chỉ ít ngày trước đó đầu tháng 10, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng đã điều tra việc người cha dùng xăng và rơm đốt con trai 7 tuổi. Sự việc bắt nguồn khi người bố đi nhậu về, nghe tin con trai ăn trộm tiền của hàng xóm mua đồ chơi. Lúc này người bố không kiềm chế được bản thân đã dùng dây trói con lại. Sau đó, anh ta đã dùng xăng và rơm đốt chân con trai. May mắn là cháu bé đã được bà nội ở gần đấy phát hiện chạy tới dập lửa kịp thời để cứu cháu và đưa đến Trạm y tế xã băng bó vết bỏng.

Bên cạnh việc dùng bạo lực với trẻ khi thấy chúng ăn trộm. Nhiều cha mẹ lại dùng hình thức làm nhục con giữa chốn đông người để phạt tội trẻ ăn trộm. Hình ảnh một bé gái ở Bố Trạch (Quảng Bình) bị người thân trói đằng sau xe tải với tấm biển “phạt trộm” bị rêu giữa cộng đồng ngoài đường, hay như một nữ sinh cấp 2 bị trói tay và treo một tấm biển ghi “tôi là người ăn trộm” rồi tung lên mạng khi phát hiện ăn trộm sách… từng gây rùng mình với dư luận bởi hành xử thiếu nhân văn này.

Hệ lụy khôn lường

Trước hành vi bạo lực của người lớn phạt trẻ khi thấy con ăn trộm hay có hành vi không đẹp như vụ người cha bạo hành con ở Lâm Đồng như trên, chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú (thuộc Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam) cho rằng, việc cảm thấy giận dữ, mắng chửi khi thấy trẻ ăn trộm là tâm lý dễ hiểu. Nhưng cách người lớn dùng bạo lực, đòn roi hay hành vi bôi nhọ trẻ chưa bao giờ là việc đúng đắn để giáo dục một đứa trẻ.

Cách hành xử này có thể xuất phát từ nỗi đau thuở ấu thơ. Khi họ có hành xử không đẹp đã bị chính cha mẹ, người lớn hành xử như vậy. Cho nên trong những cơn giận dữ họ không ý thức được. Họ vô thức làm theo “mô hình” lặp lại của thế hệ đi trước. Thứ 2, họ đang ở trong trạng thái kích thích. Chẳng hạn như cha mẹ thấy con có hành vi không đẹp đã rất buồn, nhưng sau đó lại nhận được sự kích ở bên ngoài vào rằng “như thế này hư lắm. Phải xử thật nặng vào…”.

Rùng mình trước những hành vi tàn độc của cha mẹ phạt con khi phát hiện ăn trộm - Ảnh 3.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhấn mạnh việc bạo hành trẻ vì bất cứ lí do gì cũng là sai. Ảnh TG

Hành vi này của cha mẹ chỉ là để giải tỏa sự bực tức của mình. Trong khi đó, không phải cha mẹ nào cũng nghĩ tới những hệ lụy đằng sau. Đòn roi chỉ khiến trẻ sợ hãi. Cách hành xử này có thể sửa hành vi tạm thời lúc đó để người lớn nguôi cơn thịnh nộ mà chưa hiểu được đã sai ở đâu và cần sửa gì ở trẻ nên trẻ vẫn có thể tái phạm hành vi sai trái của mình. Cách giáo dục này còn có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý. Trẻ có thể trở nên tự ti, trầm cảm và có những trẻ sẽ lại trở nên ương bướng hơn, chống đối lại cha mẹ khi bị bạo lực.

Chuyên gia tâm lý cho rằng, bất cứ một đứa trẻ nào ăn trộm khi mà bình tĩnh nhìn nhận thì thường thấy là trẻ đang thiếu thốn. Trẻ khao khát điều đó. Trẻ cũng có thể “tắt mắt” vì a dua. Để giúp cho trẻ, cha mẹ cần cho chúng đủ đầy hơn. Nếu không cũng cần trò chuyện với trẻ để hiểu. Khi một đứa trẻ bị thiếu về tâm hồn thì vật chất đủ bao nhiêu vẫn thấy thiếu, cho nên những hành vi ăn trộm sẽ nảy sinh.

Nếu hành xử sai khi phát hiện con ăn trộm, ăn cắp như nóng giận… nói chung cũng có tác động ban đầu. Bởi vậy mà cha mẹ hay lạm dụng điều đó. Nhưng chúng ta không biết là khi không quản trị được cảm xúc thì chúng ta đang vi phạm luật trẻ em. Họ đang bạo hành về thể xác, tinh thần trẻ. Nguyên tắc với trẻ em là không đánh, không mắng, không bỏ mặc…

“Không ai cổ súy hành vi trộm cắp nhưng xã hội cũng không đồng tình với cách xử lý như đánh đập, làm nhục đối tượng, nhất là với trẻ em. Bạo hành trẻ là sai. Việc trẻ phạm tội sẽ có cơ quan thực thi trách nhiệm, còn đánh đập hay bêu rếu trẻ giữa nơi công cộng để phạt tội trộm cắp là thiếu nhân văn, làm tổn thương tâm lý của trẻ lâu dài. Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm” – chuyên gia Hồng Hương nhấn mạnh.

Để tránh cho trẻ có những hành vi không đẹp và hệ lụy sau đó, điều quan trọng là làm cho trẻ “tròn đầy” về mặt tâm hồn. Cha mẹ cũng đừng xoáy sâu vào hành vi sai của trẻ để làm cho trẻ thiếu tự tin. Đồng thời đo ngưỡng “an” để quản trị cảm xúc của chính mình.