Stress lâu ngày vì mất việc làm sau COVID-19, cô gái trẻ từng nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử

Xem bài viết

Stress nặng vì mất việc làm, phá sản

Tìm đến trung tâm trong tình trạng chán chường, N.T.N, 24 tuổi ở Hà Nội đã từng không ít lần nghĩ đến chuyện tự tử vì bị stress. Từng đi làm cho một công ty, nhưng N đã phải nghỉ việc vì công ty phá sản, phải đóng cửa sau dịch bệnh. Thế nhưng vì sự kì vọng quá lớn từ phía gia đình, hàng ngày N vẫn nói dối mình đi làm bởi không muốn mọi người lo lắng.

Mỗi sáng, N ra khỏi nhà như thường ngày và lang thang các quán café, làm công việc online, đến giờ tan làm mới trở về nhà. Suốt gần một năm N bị mất phương hướng, dần rơi vào cảm xúc dằn vặt, lo âu, chán nản. Mặc cảm, tội lỗi vì nói dối đã khiến cho N mất ngủ thường xuyên, dần bị trầm cảm.

Khác với N, ông Hoàng Văn V – từng là một chủ doanh nghiệp cũng đã bị stress nặng suốt một thời gian dài. Trong đầu ông đã từng xuất hiện ý định muốn từ bỏ cuộc sống. Tìm đến trung tâm tư vấn, ông kể rằng doanh nghiệp của ông gây dựng gần 8 năm, nhưng sau dịch Covid-19 không còn hoạt động như bình thường. Phạm vi kinh doanh dần thu hẹp, cổ đông lần lượt rời đi… vì ảnh hưởng của dịch làm ăn thua lỗ. Là người chủ doanh nghiệp, vừa mất mát về mặt kinh tế lại vừa mất mát về mối quan hệ đã khiến ông vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Cũng chính vì vậy triền miên nhiều ngày ông không thể chợp mắt.

Người chủ doanh nghiệp này đã nói ra câu chuyện của mình, họ mong muốn tìm cách kéo lại mối quan hệ cũ là các cổ đông đã từng cùng nhau “trên bến dưới thuyền” … Sau những câu hỏi liên tục từ chuyên gia trong buổi trị liệu tâm lý 1:1, người chủ doanh nghiệp này đã thoát khỏi những cảm xúc tồi tệ nhất. Tới nay, người chủ doanh nghiệp ấy đã lấy lại được sự tự tin, bản lĩnh của mình và không còn phải gặp chuyên gia để hỗ trợ nữa.

Stress lâu ngày vì mất việc làm sau COVID-19, cô gái trẻ từng nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử - Ảnh 1.

Nhiều người tìm tới Trung tâm hỗ trợ cộng đồng vì stress, áp lực công việc mang lại. Ảnh PT

Thực tế không phải ai cũng may mắn được can thiệp kịp thời trước khi bệnh trầm trọng hơn như những trường hợp này. Đã có không ít trường hợp tử tử khi không giải tỏa được. Chia sẻ với PV, bà Hoàng Thị Thu Nhiên – chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy (Thuộc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds tại Hà Nội) cho biết, riêng trong năm qua, trung tâm đã trị liệu cho nhiều trường hợp bị stress nặng khi mất việc làm do cắt giảm nhân sự, công ty phá sản, người kinh doanh tự do gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế… Trong đó, không ít người từng là chủ doanh nghiệp.

Đột ngột mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến không ít người rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm. Tuy không phải là nguyên nhân chính dẫn tới các trường hợp stress nặng, gặp khó về tâm lý nhưng là yếu tố tác động thêm làm các triệu chứng khởi phát sớm, tăng nặng hơn. Phần đa các trường hợp tìm đến với trạng thái khí sắc trầm buồn, căng thẳng, mệt mỏi. Một số người ở trong trạng thái lo âu, mất ngủ, chán nản, khí sắc giảm, rối loạn ăn uống,…

Giải quyết kịp thời tránh những hệ lụy đáng tiếc

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa cho rằng, hiện nhiều người gặp phải các vấn đề cần được hỗ trợ tâm lý xuất phát bởi stress căng thẳng trong học tập công việc, áp lực tài chính, kinh tế tác động. Việc kéo dài không được giải quyết kịp thời dễ đến rối loạn về thần kinh, rối loạn giấc ngủ, bị triệt tiêu động lực sống. Đây là một trong những biểu hiện của tiền tâm thần cần được giúp đỡ, tháo gỡ tâm lý kịp thời.

Đôi khi các vấn đề cần được tháo gỡ, hỗ trợ cũng có thể chỉ là vướng mắc giữa bố mẹ và con cái, do bố mẹ chưa tìm được cách truyền đạt ngôn từ hiệu quả với con để tìm được tư tưởng chung. Tuy nhiên, họ lại không biết tìm tới đâu để được tháo gỡ. Trong nước hiện chưa có bất cứ một tổ chức xã hội nào được định danh cụ thể để hỗ trợ tâm lý giúp tháo gỡ cho những người này.

Stress lâu ngày vì mất việc làm sau COVID-19, cô gái trẻ từng nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, stress cần được hỗ trợ, can thiệp sớm để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Ảnh minh họa

Bà Hoàng Thị Thu Nhiên cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, các bệnh viện chuyên khoa tâm thần có bộ phận đánh giá, điều trị can thiệp trầm cảm, rối loạn về tâm lý, tâm thần. Nhưng do nhân lực hạn chế và do cơ chế của nhà nước chưa khuyến khích được các đơn vị này hoạt động hiệu quả vì vậy, người dân thường ít biết tới các đơn vị này.

Để giải quyết các vấn đề tâm lý, theo bà Hoàng Thị Thu Nhiên, mỗi người phải mất thời gian khác nhau. Có những người cần hỗ trợ chỉ một vài buổi nhưng cũng có những người cần sự hỗ trợ kéo dài tới cả năm. Trong đó mọi người sẽ được sử dụng lập trình ngôn ngữ tư duy cùng liệu pháp thôi miên có cơ sở khoa học để vượt qua những rào cản về tâm lý.

Ngoài ra, mọi người cần dành thời gian nghỉ ngơi, tập thói quen sinh hoạt điều độ, chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, tăng cường thể dục… Khi vấp phải một vấn đề mà bản thân đã có gắng mà không thể tự giải quyết được nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, chuyên gia trong lĩnh vực mình đang kinh doanh hoặc tìm đến các chuyên gia tâm lý. Việc cân bằng công việc cũng như sức khỏe bản thân rất quan trọng.