Tùng và vợ là bạn cùng lớp sư phạm. Thời đi học yêu nhau, tình cảm của họ luôn rất tốt. Sau tốt nghiệp, cả hai cùng được tuyển dụng vào làm giáo viên. Thành tích của vợ Tùng luôn tốt hơn, khả năng ở tất cả các mặt đều xuất sắc nên được nhận vào một trường tiểu học nổi tiếng, trong khi Tùng chỉ vào một trường tiểu học bình thường.
Có lẽ chính bởi điều này mà mẹ vợ Tùng vẫn luôn bất mãn với cuộc hôn nhân của con gái. Bà cho rằng công việc của con rể thu nhập thấp, lại không có tương lai. Trước đó, bà đã tìm cách mai mối cho con gái với một số đối tượng khác, trong đó có cả bác sĩ, Giám đốc công ty tư nhân, công chức nhà nước… tất cả đều giàu có và có tiền đồ hơn Tùng, nhưng lúc đó, vợ Tùng quyết tâm ở cùng anh nên thấy đám người kia đều rất chướng mắt. Mẹ vợ không thể làm gì được, đành miễn cưỡng chấp nhận hôn sự của Tùng và con gái.
Sau kết hôn, Tùng và vợ sống trong một căn hộ hai phòng ngủ cũ, đó là nơi cha mẹ anh từng sống. Để nhường căn hộ này cho cặp vợ chồng son, bố mẹ Tùng đã phải mua một căn hộ có một phòng ngủ rất nhỏ. Vì chuyện này mà Tùng luôn cảm thấy có lỗi với ông bà.
Trong khi đó, mẹ vợ tỏ ra rất không bằng lòng, Bà hay nhỏ to cằn nhằn: “Con gái nhà người ta gả về nhà chồng đều được ở nhà mới, thậm chí là ở biệt thự. Chỉ có đứa con gái ngốc của ta mới bằng lòng lấy chồng nghèo, ở căn hộ vừa nhỏ, vừa cũ như thế”.
Ban đầu vợ Tùng còn tranh cãi với mẹ mình, nhưng sau đó, dần dần suy nghĩ của cô ấy cũng thay đổi. Có lẽ sau khi bước vào hôn nhân, nhất là khi phải đối mặt với cái gọi là “cơm – áo – gạo – tiền” trong cuộc sống, ai cũng sẽ cảm nhận được tầm quan trọng của tiền bạc. Đặc biệt là vợ Tùng, hiện đang giảng dạy tại một trường nổi tiếng, không ít phụ huynh học sinh là người giàu có, mỗi ngày đều nhìn họ đánh xe sang, mặc quần áo hàng hiệu đi đón con, cô ấy hẳn là rất ghen tị.
Tùng biết mình không có khả năng thay đổi hiện trạng nên chỉ có thể đối xử tốt với vợ gấp đôi, tự tiết kiệm chi phí bản thân, miễn là những gì vợ thích, đều sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng. Nhưng từ khi cô con gái nhỏ ra đời, vợ Tùng ngày càng không hài lòng với anh. Cô luôn than phiền con nhà khác ăn sữa bột nhập khẩu, ám chỉ Tùng không kiếm được nhiều tiền, không cho con gái được một cuộc sống tốt đẹp. Vợ và mẹ vợ có suy nghĩ ngày càng tương đồng, càng nhìn Tùng càng thấy không vừa mắt. Vợ Tùng cũng thường xuyên đưa con gái về nhà mẹ đẻ ở.
Chớp mắt, con gái Tùng đã bốn tuổi. Mọi người đều nói con gái là công chúa nhỏ của bố nhưng Tùng và con gái không thân nhau chút nào. Ở chỗ bà ngoại phần lớn thời gian, con bé hiếm khi về nhà ở, cũng hiếm khi để ý đến bố. Một lần nhân dịp con gái về nhà vào ngày cuối tuần, Tùng cố ý mua tặng cô bé một con búp bê nhồi bông đẹp, mục đích là muốn cải thiện tình cảm cha con. Không ngờ, con bé không thèm đụng vào, khinh thường nói: “Cái gì thế này? Xấu chết đi được! Bà ngoại mua cho con búp bê barbie đẹp hơn nhiều”. Tùng đứng đó chết trân, vừa xấu hổ mà vừa bẽ bàng không nói nên lời.
Mấy ngày trước, trời lạnh, vợ đưa con gái về nhà lấy quần áo mùa đông, mẹ vợ cũng đi theo. Tùng hỏi vợ lần này dự định ở lại nhà đẻ bao lâu, vợ sốt ruột nói: “Ở bao lâu là việc của tôi. Anh không quản được đâu”.
Liên tưởng đến thái độ lần trước của con gái, ngọn lửa trong lòng Tùng nhất thời bùng nổ. Anh có vợ có con gái, nhưng cuộc sống bây giờ chẳng khác nào đàn ông độc thân. Thế nên, lần này không thể không cãi nhau với vợ! Mẹ vợ lập tức ở một bên giúp đỡ con gái, cùng nhau mắng chửi Tùng.
Nghĩ đến thủ phạm của tất cả chuyện này là mẹ vợ, chính bà là người đứng bên châm ngòi nổ, khiến quan hệ vợ chồng Tùng trở nên tệ như vậy nên anh liền oán hận mắng bà 1 câu. Hành động này như tự mình đâm tổ ong vò vẽ, mẹ vợ giận quá vung tay tát Tùng một cái trời giáng.
Đưa tay chạm vào khuôn mặt bỏng rát, Tùng chưa lấy lại được tinh thần thì đã nghe thấy tiếng vỗ tay giòn tan của con gái: “Bố xấu lắm, nên đánh”. Tùng thoáng ngây ngẩn cả người. Thật không tin được lời này lại xuất phát từ miệng cô con gái nhỏ mới 4 tuổi.
Thừa dịp Tùng còn sững sờ, mẹ vợ kéo tay vợ cùng con gái Tùng rời đi. Hơn một tuần đã trôi qua, nhưng Tùng vẫn còn đắm chìm trong sự chua xót. Vợ Tùng cũng không liên lạc với anh một lần. Thực ra, anh không hy vọng lắm về cô ấy, mà điều buồn nhất là đứa con gái ruột cũng đối xử với anh như vậy.
***
Hôn nhân tốt đẹp là khi cả hai bên biết thông cảm cho nhau, cùng chung lưng đấu cật cố gắng vì một mục đích chung. Tiếc rằng ban đầu suy nghĩ của vợ Tùng rất thấu đáo, nhưng sau đó, dưới sự tác động của người mẹ, cô ấy dần thay đổi quan điểm, đặt nặng vấn đề tiền bạc, thất vọng vì chồng không kiếm được tiền và tình cảm cũng ngày càng nhạt đi.
Cái chưa được của Tùng là anh đã hơi dễ dãi khi để cho người vợ muốn làm gì thì làm. Kết cục là ngay cả quyền nuôi dạy con cái, cũng bị cướp mất. Rõ ràng cuộc hôn nhân của Tùng đang rất có vấn đề. Anh và vợ nên thẳng thắn nói chuyện với nhau để tìm ra giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên. Nếu vợ không muốn nói chuyện thì Tùng nên dùng biện pháp cứng rắn để đòi quyền lợi cho mình.