Các “đại gia” công nghệ cam kết đẩy mạnh chống tin giả tại châu Âu

Xem bài viết

Các “đại gia” công nghệ cam kết đẩy mạnh chống tin giả tại châu ÂuLogo của Facebook, Google và Twitter. (Nguồn: Reuters)

Meta (công ty mẹ của Facebook), Alphabet (chủ sở hữu Google) cùng Twitter và Microsoft hôm 16/6 đã đồng ý cứng rắn hơn đối với thông tin sai lệch theo bản cập nhật quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu (EU), khi những công ty này có thể bị phạt nặng nếu họ không tuân thủ.

Ủy ban châu Âu cho biết, hơn 30 bên ký kết, bao gồm các công ty quảng cáo lớn đã cam kết tuân thủ theo bản cập nhật của bộ quy tắc ứng xử về thông tin sai lệch .

Các bên cam kết sẽ hành động nhiều hơn nữa để giải quyết các vụ giả mạo sử dụng công nghệ deepfake (giả tạo hình ảnh, âm thanh của con người bằng trí tuệ nhân tạo), tài khoản giả mạo và quảng cáo chính trị.

[Hãng Google bị tòa án Liên bang Nga phạt vì không xóa tin giả]

Việc không tuân thủ những yêu cầu này có thể dẫn đến khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của một công ty.

Các công ty, bao gồm nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok và nền tảng thể thao điện tử phát trực tiếp Twitch của Amazon, có sáu tháng để tuân thủ các cam kết của họ và sẽ phải trình bày báo cáo tiến độ vào đầu năm 2023.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Vera Jourova phát biểu trong một cuộc họp báo rằng bộ quy tắc mới là bằng chứng cho thấy châu Âu đã rút ra được bài học cho mình.

Bà nói rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đại dịch COVID-19 và việc nước Anh rút khỏi EU đã đẩy nhanh chiến dịch kiểm soát tin giả của khối này.

Ủy viên EU phụ trách ngành công nghiệp, ông Thierry Breton, cho biết thêm các biện pháp trừng phạt còn có thể bao gồm cấm các công ty tiến vào thị trường châu Âu, chặn quyền tiếp cận của những công ty này vào không gian thông tin của khối.

Tuy nhiên, các nhà phê bình như Hiệp hội Truyền hình Thương mại và Dịch vụ Video theo Yêu cầu ở châu Âu (ACT) cho hay có những thiếu sót nghiêm trọng trong bộ quy tắc sửa đổi.

Thông báo của ACT cho rằng bản quy tắc sửa đổi không đưa ra các cam kết cụ thể để hạn chế “hành vi thao túng không thể chấp nhận được” của các công ty.

Ngoài ra, các cam kết không đi xa hơn một tuyên bố chung về việc tuân theo luật – vốn là điều hiển nhiên và không yêu cầu phải có một bộ quy tắc điều chỉnh./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)