‘Hiệp sỹ Thánh chiến’: Khắc họa một dân tộc Ba Lan đậm chất anh hùng

Xem bài viết

‘Hiệp sỹ Thánh chiến’: Khắc họa một dân tộc Ba Lan đậm chất anh hùngSách gồm 2 tập, khắc họa rõ nét lịch sử bi tráng và hào hùng của Ba Lan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau 30 năm miệt mài, dịch giả-tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng đã hoàn thành việc chuyển ngữ tác phẩm kinh điển “Hiệp sỹ Thánh chiến” của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1916), đoạt giải Nobel Văn học năm 1905.

Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách tại nhà riêng Đại sứ Wojciech Gerwel vào ngày 5/11.

Hiệp sỹ Thánh chiến do Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Văn Học liên kết ấn hành, được chia thành 2 tập với hơn 600 trang mỗi tập, có các minh họa đẹp mắt giúp độc giả dễ theo dõi diễn biến truyện.

[Ba Lan coi Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực Đông Nam Á]

Tác phẩm đã được dịch ra trên 40 thứ tiếng, được dựng thành bộ phim dài hai tập rất công phu, chiếm được sự hâm mộ của nhiều thế hệ người đọc và người xem khắp thế giới. Song, đây là lần đầu tiên bộ sách được giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam. Đại sứ bày tỏ sự trân trọng đối với nỗ lực chuyển ngữ của dịch giả. Thông qua tác phẩm, độc giả Việt Nam sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước Ba Lan, vốn có nhiều điểm tương đồng với lịch sử Việt Nam.

'Hiep sy Thanh chien': Khac hoa mot dan toc Ba Lan dam chat anh hung hinh anh 2Sách có các minh họa đẹp mắt giúp độc giả dễ theo dõi diễn biến truyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nội dung của tiểu thuyết xoay quanh lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Ba Lan, giai đoạn hậu kỳ Trung cổ, kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV.

Đại sứ Wojciech Gerwel cho rằng tác giả Henryk Sienkiewicz đã khắc họa rõ nét cuộc chiến tranh tự vệ hào hùng, bi tráng của một dân tộc chỉ muốn sống yên vui, hòa bình.

“Tác phẩm dựng lên trước mắt người đọc một quốc gia phong kiến tập quyền thời Trung cổ ở châu Âu, với các giai tầng xã hội khác nhau: Vua và hoàng hậu, các quận công và quận chúa, các hiệp sỹ, đám quan lại giàu có, các trang chủ quý tộc, những người nông dân nghèo khổ,” Đại sứ chia sẻ.

Độc giả Việt Nam từng biết đến tài năng của Henryk Sienkiewicz qua các kiệt tác: “Quo vadis,” “Trên sa mạc và trong rừng thẳm,” “Hania,” “Trên bờ biển sáng”… Tuy nhiên, “Hiệp sỹ Thánh chiến” là tác phẩm được “thai nghén” lâu nhất.

Nhà văn Henryk Sienkiewicz sinh ra tại Wola Okrzejska (Ba Lan) trong một gia đình gốc quý tộc. Ông từng theo học luật, y học trước khi chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách.

Ngay từ năm 1865, trong lòng chàng sinh viên Henryk Sienkiewicz 19 tuổi đã nung nấu ý định xây dựng một tiểu thuyết xứng tầm với cuộc đụng đầu lịch sử xảy ra hồi đầu thế kỷ XV giữa liên minh Ba Lan-Litva với Giáo đoàn Thánh chiến.

Sau “Quo vadis,” ông dồn hết tâm huyết vào viết “Hiệp sỹ Thánh chiến.” Công việc sáng tác kéo dài ròng rã bốn năm trời, và nhà văn đã cho đăng dần tác phẩm trên các tờ báo Ba Lan, mãi đến năm 1900 mới in thành sách.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II, Hitler đã cấm các tác phẩm của Henryk Sienkiewicz, nhất là “Hiệp sỹ Thánh chiến” lưu truyền ở Ba Lan. Bằng sức mạnh nghệ thuật lớn lao của mình, tác phẩm đã trở thành một lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự do, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho bọn xâm lược vốn chỉ tin vào sức mạnh của quân đội và vũ khí.

Tại buổi giao lưu, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cho biết ông vẫn sẽ tiếp tục tìm và dịch các tác phẩm văn học nổi tiếng của Ba Lan nói chung và của nhà văn Henryk Sienkiewicz để giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam.

“Henryk Sienkiewicz là tác giả mà tôi vô cùng yêu thích. Các tác phẩm của ông luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Có lẽ văn của Henryk Sienkiewicz cũng có điểm tương đồng với động cơ đốt trong, nó cháy bằng chất gì đó trong tôi và trong những bạn đọc Việt Nam suốt thời gian qua,” dịch giả chia sẻ.

Dịch giả khẳng định Việt Nam và Ba Lan là hai dân tộc xa nhau về mặt địa lý nhưng rất gần nhau về mặt số phận. Cả hai đều phải chịu nhiều đau khổ, tổn thương do chiến tranh.

“Chính trong đau khổ, hai dân tộc đã ngời lên phẩm chất anh hùng và nhân hậu, ngay trong cách đối xử với kẻ thù,” dịch giả cho biết./.

Minh Thu (Vietnam+)