Lại nhớ, khi nhạc Tết là phương tiện để ”du hành về quá khứ”

Xem bài viết

Lại nhớ, khi nhạc Tết là phương tiện để ”du hành về quá khứ”Âm nhạc gợi về những khung cảnh Tết trong ký ức. (Ảnh minh họa: Corbis)

“Có những bài hát khi nghe đến là hình dung ngay ra ngày 23 Tết,” nhà báo Lê Hải An của tạp chí Bóng đá nhận xét về ca khúc “Tình ca mùa Xuân” (Tôn Thất Lập sáng tác).

Với ông, ca khúc gắn nhiều trong bầu không khí người ta đang cấp tập đi sắm Tết, tạo nên sự thăng hoa về cảm xúc. Dưới thời tiết mưa mưa, lạnh lạnh có pháo Tết bay. Tất cả tạo ra những giá trị vô hình mà gắn chặt với âm nhạc.

Không gian xưa dội về

Nhắc đến nhạc Tết trong ký ức nhà báo Hải An là nhắc đến những ca khúc được phát trên loa truyền thông, thứ phương tiện mà giờ đây được gọi là loa phường. Theo ông Hải An, những năm 70, 80 ấy loa phường của toàn bộ khu vực phía Bắc đều phát sóng Đài tiếng nói Việt Nam chứ không địa phương hóa nội dung riêng ở từng cụm loa phường.

“Thế hệ chúng tôi và cả xã hội khi đó, có thể nói, sinh hoạt theo lịch phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam phát trên loa,” nhà báo kể. “Chúng tôi thức dậy với nhạc hiệu hào hùng của bản nhạc ‘Chiến thắng Điện Biên’ của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, không cần xem đồng hồ cũng biết thời gian nhờ nhạc hiệu bay ra từ loa. Song, thứ âm nhạc gây nhung nhớ nhất là những ca khúc Xuân của ngày Tết.”

[Những giai điệu đẹp, đi vào lòng người về mùa Xuân]

Tất cả đều được nghe cùng một thanh âm rộn rã của một mùa Xuân mới đang về trong bối cảnh radio, các thiết bị chơi nhạc cá nhân vẫn rất hiếm hoi. Thời của ông, người ta yêu mến “Tình ca mùa xuân,” “Mùa xuân nho nhỏ,” “Lời tỏ tình mùa Xuân,” “Mùa Xuân bên cửa sổ”

Nghe nhạc Tết qua loa truyền thông tại miền Bắc trở thành khối không gian chung, giống nhau và riêng với các khu vực khác. Theo nhà báo Hải An: “Đây là sự cộng cảm của cả một cộng đồng dân cư, là đồng điệu về cảm xúc của một cá nhân với xã hội.”

Có nhiều cách để diễn giải về khái niệm “nhạc Tết.” Đó có thể là nhạc lấy đề tài về Tết hoặc nhạc được chọn để bật trong dịp Tết. Ở trường hợp thứ hai, những ca khúc này có thể chẳng liên quan gì đến Tết. Thậm chí, chúng có thể là những bài hát rất buồn và rất khác nhau, tùy theo gu của mỗi người.

Nhưng có một điểm chung ở những bài hát ấy, đó là chúng đều gắn liền với ký ức về một không gian, cảm giác quen thuộc về Tết trong tâm trí của mỗi người nghe.

Lai nho, khi nhac Tet la phuong tien de ''du hanh ve qua khu'' hinh anh 2Một góc của những thiết bị âm thanh cổ xưa tại quán càphê ”Lính” ở 71 Lãn Ông (Hà Nội). (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Âm nhạc có đặc tính hồi tưởng, nhạc sỹ Mai Lâm nhận định. “Hồi ức âm nhạc không chỉ nhắc lại bài hát đó, mà còn cả sự việc, cảnh vật xung quanh mình,” ông nói. Thật vậy. Có lẽ vì vậy âm nhạc ngày Tết không nhất thiết phải là những bài Xuân vui tươi. Mà thực chất, nó chỉ cần là giai điệu yêu thích, quen thuộc và mang ý nghĩa cá nhân với mỗi người.

Từ thập niên 1990 đến nay, vợ chồng nhạc sỹ Mai Lâm đã định cư ở Đức, tại một thành phố gần như không có đồng hương từ Việt Nam. Nơi gần nhất có người Việt sinh sống là Hamburg cũng cách đó chừng 50km.

Yêu âm nhạc, quanh nhà ông luôn văng vẳng tiếng nhạc cổ điển trên chiếc đài đặt gần bếp hoặc ứng dụng Spotify trên điện thoại. Nhưng đã nhắc đến nhạc Tết của ông thì chắc chắn phải có “Happy new year” của ABBA và “Khúc giao mùa” do Anh Quân sáng tác, Mỹ Linh thể hiện (2 người cũng là cháu trong gia đình, gọi nhạc sỹ Mai Lâm là chú).

Với ông, cả hai ca khúc đều mang đến sự hân hoan, an ủi trước cảm giác có phần tủi thân khi đón Tết xa xứ. Đâu đó vẫn có chút chạnh lòng khi Tết đến nhưng ông không có mọi điều kiện phù hợp để về Hà Nội – nơi nhạc sỹ sinh ra và lớn lên.

Đặc biệt với “Khúc giao mùa,” nhạc sỹ bồi hồi nhớ lại những cảm xúc đã qua hàng chục năm. “Đó là ca khúc dội nhớ về một vài hoặc hàng chục năm trước, vào thời điểm bài hát ra mắt, vạn vật bước sang thiên niên kỷ mới,” ông bộc bạch và bắt đầu nhớ về những ngày Tết tuổi thơ khi còn sống tại Việt Nam.

Ở thế hệ của nhạc sỹ Mai Lâm khi ấy có mùi pháo, mùi của thịt lợn đang được chế biến trên bếp…  và cả ký ức Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, qua chiếc đài bán dẫn

“Trẻ con, người lớn đều trông đợi xem năm nay nội dung thế nào. Những bài thơ như có tính dự ngôn. Tôi vẫn nhớ mấy câu ‘Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to’… Thế là, chúng tôi ngồi nhà đoán có khi năm tới tổng tấn công đây!”

Lai nho, khi nhac Tet la phuong tien de ''du hanh ve qua khu'' hinh anh 3Một gia đình tại Phúc Xá đọc thư chúc Tết của Bác Hồ. (Ảnh: TTXVN)

Gu nhạc Tết không đổi

Mỗi năm, thị trường âm nhạc lại cho ra những tác phẩm mới. Nhưng không phải tác phẩm nào cũng để lại ấn tượng đủ sâu sắc để thay được những tác phẩm cũ.

Nhạc Tết cũng vậy, bởi dường như người ta sẽ luôn tìm nghe những ca khúc mà dịp năm mới nào họ cũng bật.

Mỗi người có một gu nhạc riêng để mở lên dịp Tết. Có người nghe nhạc tiếng Anh nổi tiếng trong những thập niên từ 1980-2000. Có người nghe nhạc tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Hoa… Có những người thích nghe nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, nhạc xanh (nhạc trẻ)… 

Vì sao lại vậy? Nhạc ngày nay, có lẽ, đã bị chìm trong những bài hát liên tục ra đời. Đó là nhận xét của nhà báo Hải An. “Họ không có thời gian để nghe nhạc mới, vì thế nó khó ‘thấm’ và mờ nhạt hơn, không tạo thành nếp hằn mới đủ sâu trong não. Rồi phương tiện nghe ngày nay quá sẵn có, chúng ta có thể nghe nhạc khắp thế giới, độ loãng càng cao càng khó đọng lại,” ông đưa ra lý giải.

Lai nho, khi nhac Tet la phuong tien de ''du hanh ve qua khu'' hinh anh 4Nhạc sỹ Văn Cao – người viết nên ”Mùa Xuân đầu tiên” với dư âm qua bao thế hệ, thời đại. (Ảnh tư liệu)

Còn theo nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, ông đồng tình rằng đến thập niên 2010, âm nhạc dường như bị thị trường hóa nhanh và mạnh hơn. Vì vậy có những tác phẩm mang nhiều giá trị con người như “Mùa Xuân đầu tiên” của cố nhạc sỹ Văn Cao vốn là bất hủ lại càng được khẳng định giá trị một cách rõ nét hơn.

“Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người. Bài hát có tinh thần nhân loại và âm nhạc cũng rất đẹp. ‘Rồi dập dìu mùa vui theo én về, mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…’ người mẹ nào cũng con xa nhà trở về. Đến nay cũng vẫn vậy,” ông bóc tách.

Cho cùng, nhạc Tết cũng như thứ mứt kẹo. Không thể bỏ, không thể thiếu. Ngày Tết người ta nghe nhạc trong sự thong thả, để tiếp tục cho một năm bận rộn mưu sinh tiếp theo. “Âm nhạc khi ấy nó đến như sự an ủi để người ta bước tiếp,” nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha kết luận./.

Minh Anh (Vietnam+)