Theo thông tin từ gia đình, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến, thân sinh của 3 nghệ sỹ Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi, đã qua đời vào chiều ngày 22/1 (mùng Một Tết) tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến sinh năm 1937 tại Hà Nội. Ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1954, khởi đầu với các vai hề chèo.
Năng khiếu của ông được Nghệ sỹ Nhân dân Thế Lữ và Nghệ sỹ Nhân dân Đào Mộng Long phát hiện, chính hai ông đã khuyến khích và dìu dắt Trần Tiến đến với kịch nói.
NSND Trần Tiến theo học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu năm 1961, cùng khóa đó còn có Thế Anh, Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung…đều là những tên tuổi xuất chúng của nền sân khấu và điện ảnh Việt Nam.
Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến năm 2012 thì nghỉ hưu. Năm 1997, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tên tuổi của ông gắn với một số vai diễn như: Đại Cát trong “Quẫn,” Đế Thích trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt,” Hoài Nghi trong “Chuông đồng hồ điện Kremli,” cố vấn ái tình trong “Kén rể,” Nguyễn Trãi trong “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”… Ông cũng tham gia một số bộ phim như: “Thằng Bờm,” “Năm ngày làm Thượng đế,” “Chuyện làng Nhô,” “Hà Nội 12 ngày đêm,” “Những người săn lùng cái đẹp”…
[Nghệ sỹ Lê Mai nói về ba con gái giữa thu Hà Nội]
Mặc dù ghi dấu với những vai hài, nhưng NSND Trần Tiến còn thể hiện thành công rất nhiều vai chính diện như vai diễn Nguyễn Trãi trong “Nguyễn Trãi ở Đông Quan.”
Trong mắt bạn nghề, NSND Trần Tiến là một người lao động nghệ thuật nghiêm túc, có vốn sống phong phú, qua mỗi vai diễn ông đều gửi gắm thông điệp riêng với những suy tư, trăn trở về cuộc đời, về thân phận con người…
Sinh thời, trong một lần trả lời báo chí, ông chia sẻ: “Người diễn viên không được phép hài lòng với bản thân, nếu mình tự bằng lòng thì sẽ chẳng bao giờ khá được. Ông tâm niệm: “cái gì cũng phải hết mình. Trong nghệ thuật phải say, phải mê, phải hết mình khổ luyện, phải để hết tâm huyết vào những vai diễn… Điều quan trọng nhất mà tôi rút ra được trong cả đời diễn chính là sự ham mê, sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật.”
Ở vai diễn để đời Đế Thích trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt,” chính ông là người đã đề xuất để nhân vật mang tính cách “pêđê” với lý luận: trần sao tiên giới cũng thế.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến kết hôn với Nghệ sỹ Ưu tú Lê Mai khi họ cùng công tác ở Đoàn Kịch nói Trung ương. Cả hai có với nhau 3 người con gái đều là nghệ sỹ nổi tiếng: Lê Vân, NSND Lê Khanh, Lê Vi. Năm 1970, cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Sau này, Nghệ sỹ nhân dân Trần Tiến may mắn có một người phụ nữ gắn bó, chăm sóc, chia sẻ niềm vui nỗi buồn…
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh từng bày tỏ sự biết ơn đối với người bạn tri kỷ của bố mình trên truyền hình: “Tôi vô cùng trân trọng người bạn gái của bố. Mặc dù ông không còn cường tráng, phong độ nhưng những gì đẹp nhất của ông vẫn luôn đọng lại trong cô ấy. Nhờ có cô ấy mà những lúc tôi đi xa sẽ yên tâm hơn về bố. Cho nên những người con, người cháu phải hãnh diện vì mình có phúc thì cha mẹ mới còn có người thương khi ở tuổi xế bóng. Những điều quý giá ấy dẫu có tiền cũng không thể mua được.”./.