An Giang có 29 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm.
Dân tộc Khmer là cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên vùng đất này, tập trung đông nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên; sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc và đa dạng.
Đặc sắc văn hóa Khmer
Đồng bào Khmer tỉnh An Giang có 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đua bò Bảy Núi; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông.
Theo Hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, Tri Tôn), văn hóa của đồng bào Khmer luôn gắn liền với Phật giáo Nam Tông.
Phật giáo Nam Tông có ảnh hưởng rất lớn và chi phối sâu sắc đời sống tinh thần của người Khmer. Mọi sinh hoạt chính của đồng bào dân tộc Khmer đều gắn liền với ngôi chùa.
[Hình ảnh tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer]
Hòa thượng Chau Sơn Hy cho biết toàn tỉnh có gần 70 ngôi chùa Khmer, trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn. Các ngôi chùa này không chỉ chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo của người Khmer mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khu vực.
Những ngôi chùa Khmer được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào với những đặc điểm kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Trong đó không thể không nhắc đến Chùa XvayTon ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer Nam Bộ.
Đây cũng là ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất trong tỉnh An Giang; nơi lưu giữ nhiều bộ Kinh lá Buông nhất Việt Nam – được xem loại thư tịch cổ, là báu vật quý hiếm có giá trị về văn hóa – nghệ thuật mang đậm nét truyền thống trong quy trình làm sách cổ của người Khmer Nam Bộ.
Chùa XvayTon được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1986. Ghé thăm chùa XvayTon, du khách như lạc vào “chốn bồng lai tiên cảnh nơi hồng trần.” Không gian thanh tịnh, trang nghiêm và trong lành giúp du khách giải tỏa những mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống…
Đến với các ngôi chùa Khmer ở An Giang, du khách có thể tìm hiểu một số phong tục, nét văn hóa truyền thống được người dân nơi đây gìn giữ bao đời nay như: lễ dâng cơm, lễ dâng áo cà sa, tục gửi con vào chùa tu học giáo lý Phật pháp, học làm người…
Ngoài ra, các chùa Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm; là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào nơi đây.
Cùng với các ngôi chùa Phật giáo Nam tông, các lễ hội của dân tộc Khmer cũng rất phong phú như: Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta, lễ nhập hạ, xuất hạ…
Trong số đó, nổi bật là lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer An Giang (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch hàng năm). Đây là lễ hội thể thao “độc nhất vô nhị” của địa phương, thu hút hàng trăm ngàn du khách đến theo dõi và cổ vũ mỗi năm.
Ngoài ra, trong dịp Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao cùng các loại hình nghệ thuật dân gian lưu truyền ở các phum thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Khmer còn có cả kho tàng văn hóa dân gian và nghệ thuật cổ truyền phong phú. Từ nghệ thuật múa dân gian Lâm Thôn, nghệ thuật tuồng cổ dì kê, dù kê, nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây cho đến các giá trị khác như: ẩm thực, làng nghề truyền thống… Tất cả đều có những nét độc đáo riêng. Đây là tiềm năng có thể khai thác, phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Bảo tồn và nâng tầm giá trị văn hóa
Tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn – hai địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá những nét đẹp về phong tục, nghi lễ, ẩm thực, sản phẩm làng nghề, loại hình nghệ thuật truyền thống liên quan đến lễ hội lớn của đồng bào luôn được các cấp, chính quyền đặc biệt quan tâm.
Ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tri Tôn, cho biết dân số toàn huyện trên 132.000 người; trong đó, có gần 50.000 người dân tộc Khmer (chiếm 34,02% dân số toàn huyện). Đồng bào Khmer ở Tri Tôn cư trú theo phum sóc, có nơi sống đan xen với dân tộc Kinh; luôn giữ vững tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, từng bước ổn định cuộc sống và làm giàu trên vùng đất còn nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Khmer ở đây đến nay vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng.
Bên cạnh đó, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người Khmer luôn được huyện quan tâm đầu tư, phát triển; nhất là những hoạt động mang đậm nét văn hóa của đồng bào được bảo tồn, gìn giữ qua các lớp tập huấn…
Cùng với đó, lễ hội đua bò Bảy Núi đã được Ủy ban Nhân dân huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên đăng cai tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống Khmer, vừa thu hút khách du lịch.
Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị từ lễ hội đua bò Bảy Núi, những năm gần đây, Tri Tôn đã tập trung đầu tư xây dựng Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ-Soài Chek và sân đua bò huyện Tri Tôn rộng 5,5ha với kinh phí gần 48,5 tỷ đồng, sử dụng ngân sách và vận động xã hội hóa nhằm giữ gìn, phát huy môn thể thao truyền thống “độc nhất” của đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, góp phần nâng chất lễ hội đua bò Bảy Núi xứng tầm lễ hội cấp quốc gia, tạo thêm điểm nhấn du lịch hấp dẫn.
Ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho biết thời gian qua, tỉnh luôn coi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn; trong đó có đồng bào Khmer. Di sản văn hóa các dân tộc, trong đó dân tộc Khmer đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo, hình thành nên những trải nghiệm du lịch độc đáo dành cho du khách khi đến với vùng đất An Giang.
Theo ông Đào Sĩ Tuấn, hàng năm, chỉ tính riêng lễ hội đua bò Bảy Núi đã đón hàng chục ngàn du khách đến với địa phương. Nhờ sự hấp dẫn và bất ngờ, lễ hội này đã vượt ra khỏi giới hạn môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang, trở thành nét độc đáo, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của địa phương nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.