Coi Việt Nam là quê hương thứ hai, dành rất nhiều thời gian để sáng tác các bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Lào-Việt, trong đó có bài ông phải dành gần nửa cuộc đời để trăn trở, để tìm giai điệu phổ nhạc là nghệ sỹ quốc gia Lào Douangmixay Likaya, người đến nay đã có gần 10 bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Lào-Việt.
Và dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn đang ngày đêm miệt mài sáng tác các ca khúc về quan hệ hai nước Lào-Việt Nam anh em.
Tiếp chúng tôi trong căn phỏng nhỏ bộn bề các tác phẩm và sách ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Lào-Việt ở thủ đô Vientiane, nghệ sỹ Duangmixay Likaya cho biết ông sang học tại Việt Nam từ năm 1959 và đến nay vẫn nhớ rất rõ về thời gian hơn 10 năm ông sinh sống và học tập ở Việt Nam.
[60 năm quan hệ Việt-Lào: Mạch nguồn sáng tác bất tận của nhạc sỹ Lào]
Chia sẻ về ấn tượng sâu đậm nhất trong những năm tháng học tại Việt Nam, Nghệ sỹ quốc gia Duangmixay, sinh năm 1946 tại tỉnh Huaphanh, Bắc Lào, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cho biết đó chính là tình người, khi các gia đình và thầy cô giáo Việt Nam luôn coi học sinh Lào như con em ruột thịt trong nhà.
Ông vẫn nhớ khi đó người Việt còn khó khăn và thiếu thốn lắm, nhưng luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các học sinh Lào.
Ông tâm sự: “Chắc có lẽ đi bất kỳ đâu trên thế gian này, khó có thể tìm được cái tình nghĩa đặc biệt chia ngọt sẻ bùi như thế.”
Nhắc về kỷ niệm với các thầy cô giáo Việt Nam, Nghệ sỹ quốc gia Duangmixay cho biết ông nhớ nhất là thầy giáo Lê Hoài, người đã phát hiện ra năng khiếu âm nhạc của ông và đã giúp ông đến với âm nhạc.
Ông tâm sự khi học ở Bắc Giang, dù có rất nhiều môn học nhưng ông rất mê môn luyện âm của thầy Hoài và sau khi được thầy dạy, ông nghĩ rằng mình sẽ chẳng thích được môn nào khác nữa.
Bản thân thầy Hoài cũng phát hiện ra năng khiếu của người trò nhỏ, do đó thầy đã dành các buổi tối thứ bảy đệm đàn guitar để Duangmixay hát và luyện âm.
Theo nghệ sỹ, điều này đã giúp ông có kiến thức về âm nhạc, lĩnh vực mà ông có niềm đam mê đặc biệt.
Cũng chính nhờ biết âm nhạc, nên sau khi tốt nghiệp trung học và về nước theo tiếng gọi của Tổ quốc vào năm 1965, chỉ một thời gian ngắn sau ông lại được cử sang Việt Nam để học tiếp âm nhạc tại Trường Nhạc Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ông tâm sự: “Đó là cái phúc của cuộc đời tôi.” Nhờ đi học chuyên nhạc ở Việt Nam mới có nhạc sỹ Duangmixay ngày nay.
Nghệ sỹ Duangmixay tâm sự: “Tôi có rất nhiều người anh, người chị kết nghĩa ở Việt Nam, bản thân tôi cũng luôn coi đất nước Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Bởi dù sinh ra ở Lào, nhưng nơi tôi khôn lớn, nơi tôi được nghiên cứu, học tập chính là Việt Nam, người dân Việt Nam đã nuôi nấng và che chở cho tôi.”
Người nghệ sỹ Duangmixay luôn dành một tình yêu đặc biệt cho Bác Hồ.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại Việt Nam vào năm 1965, ông trở về nước và được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chống đế quốc Mỹ. Khi biết ông có năng khiếu về âm nhạc, một đồng chí lãnh đạo đã gợi ý ông phổ nhạc 4 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long.”
Đó là những câu thơ mà theo ông là vô cùng sâu sắc, lột tả một cách chân thực mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Và đó cũng là lời của bản giao hưởng Hồng Hà-Mekong mà ông đã phổ nhạc. Tuy nhiên, có một điều ít ai biết ông đã phải trăn trở gần nửa cuộc đời, hay chính xác là 44 năm để có thể phổ nhạc thành công bài thơ chỉ có 4 câu đó.
Ông tâm sự với ông, Bác Hồ luôn là một tấm gương sáng ngời, suốt đời vì nước vì dân, là nhà lãnh đạo vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, mở ra con đường cứu nước và độc lập tự do cho người dân 3 nước Đông Dương.
Chính vì vậy, để phổ nhạc cho 4 câu thơ trên, trước hết là bằng tiếng Việt, sau đó là lời tiếng Lào là vô cùng khó. Mặc dù nhận thức rất rõ về tầm quan trọng và giá trị to lớn của tác phẩm, về đạo đức, công lao vĩ đại của Hồ Chủ tịch, dù đã quyết tâm rất cao, nhưng qua rất nhiều năm trăn trở, ông vẫn chưa thể hoàn thành nhiệm vụ.
Nghệ sỹ Duangmixay cho biết cái khó nhất là ông không biết nên chọn giai điệu nào? Giai điệu Việt Nam hay Lào? Nếu là giai điệu Việt Nam thì nên chọn giai điệu miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, bởi tầm vóc vĩ đại của Người, nên việc lựa chọn giai điệu, hay một hoặc hai nốt nhạc vào câu thơ của Bác Hồ cũng phải hết sức thận trọng, làm sao để khi hát lên phải được sự chấp nhận, đồng tình và ủng hộ của mọi người.
Phải đến tận năm 2009 khi Giáo sư, Tiến sỹ, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Nguyễn Trọng Bằng sang Lào và gợi ý ông dùng chất liệu dân ca Việt Nam, ông mới có thể viết tiếp và hoàn thành bản giao hưởng hai chương có gắn với bốn câu thơ của Bác Hồ mang tên “Hồng Hà-Mekong.”
Bản giao hưởng này đã được biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2009, chính thức hoàn tất tâm nguyện mà ông ấp ủ sau 44 năm.
Ông tâm sự việc hoàn thành bản giao hưởng giúp ông cảm thấy nhẹ lòng phần nào và cứ mỗi dịp bản giao hưởng được biểu diễn vào các ngày lễ lớn của hai dân tộc, ông lại không khỏi bùi ngùi xúc động, coi đó là một chút đóng góp vào tình hữu nghị vĩ đại giữa Lào và Việt Nam.
Không chỉ sáng tác bản giao hưởng “Hồng Hà-Mekong,” tới nay Nghệ sỹ quốc gia Duangmixay đã sáng tác gần 10 bài hát về Hồ Chủ tịch và quan hệ Lào-Việt, trong đó có các bài hát như bản giao hưởng “Hồ Chí Minh – Mặt Trời soi sáng muôn đời”; “Bông sen đỏ”; các ca khúc bằng tiếng Mông như “Nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời” và “Người Bác của chúng ta”…
Ông tâm sự lý do ông sáng tác nhiều bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy là do Chủ tịch là người có đạo đức hết sức trong sáng, vì nước vì dân, không đòi hỏi bất cứ một điều gì cho bản thân. Người một lòng chiến đấu cứu nước, mang lại độc lập cho người dân Việt Nam.
Theo ông, đó là sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn chiến lược đối với Lào và Việt Nam, luôn coi việc giúp bạn Lào là giúp mình.
Với niềm yêu kính vô hạn đối với Bác Hồ, ông Duangmixay cho biết ngay từ những năm tháng đầu tiên học tại Việt Nam, ông thường nghe các bài hát về Hồ Chủ tịch, nghe các thầy cô, bạn bè và người Việt Nam nói về Người với niềm yêu kính đặc biệt.
Qua những bài giảng, rồi tự tay viết những bài tập làm văn về Bác Hồ và được các thầy cô đánh giá cao, ông bắt đầu cố gắng tìm mọi cuốn sách viết về Bác và càng đọc, càng tìm hiểu về Bác, ông càng thêm yêu, thêm kính trọng Bác.
Ông vẫn nhớ như in một lần Bác Hồ về thăm trường, khi ông còn đang học trung học, trong khi nhà trường và học sinh trang hoàng và đứng xếp hàng chờ người ở cổng trước, thì Người “không biết làm cách nào” lại vào thăm căn bếp ở phía sau trường trước.
Cũng trong lần thăm này, Hồ Chủ tịch đã căn dặn các học sinh Lào: “Các cháu, các em đến học tập ở Việt Nam hãy cố gắng học tập để sau này thành một người cán bộ giải phóng đất nước Lào.”
Những hành động giản dị, đạo đức và những lời căn dặn của Người trong lần đến thăm trường đã in đậm trong ông và khiến ông càng thêm kính trọng Bác và quyết tâm học thật tốt để sau này phục vụ đất nước.
Đến nay, dù đã ở tuổi 76, ông vẫn nhắc đi nhắc lại rằng: “Thật có lỗi nếu không tiếp tục sáng tác về Bác Hồ, về quan hệ đặc biệt hai nước Lào-Việt Nam” và rằng “Tôi sẽ còn viết, khi nào còn sức tôi còn viết!” Bởi với ông, đây không chỉ là sự đam mê, là tình yêu trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của thế hệ đi trước nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau.
Rời khỏi nhà ông trong một buổi trưa đầy nắng, sau lưng chúng tôi vẫn vang lên giai điệu của bản giao hưởng “Hồng Hà-Mekong,” dù giọng hát đã khàn và không còn khỏe, nhưng tình cảm mà ông gửi vào từng lời ca vẫn tràn đầy xúc cảm.
Những câu hát “Thương nhau là ta thương nhau. Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” cứ bay xa, vang vọng, khiến chúng tôi thực sự xúc động trước tấm lòng, tình cảm chân thành và sâu sắc mà Nghệ sỹ quốc gia Duangmixay nói riêng và người dân Lào nói chung dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi càng thêm hiểu, càng thấm về sự sâu sắc, sự đặc biệt trong quan hệ đặc biệt Lào-Việt và trách nhiệm của mình trong việc duy trì và vun đắp cho mối quan hệ vĩ đại này./.