TP Hồ Chí Minh: Hàng nghìn người náo nức đổ về Lễ hội Tết Việt

Xem bài viết

TP Hồ Chí Minh: Hàng nghìn người náo nức đổ về Lễ hội Tết ViệtKhách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Tết Việt Quý Mão năm 2023 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 5/1, Nhà Văn hóa Thanh niên-Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 mang chủ đề “Thành phố tôi yêu” với nhiều hoạt động ý nghĩa như Phố ông đồ, không gian vườn mai ngày Tết; các chương trình nghệ thuật, các hoạt động chăm lo Tết, các sự kiện thiện nguyện…

Đây là hoạt động thường niên của Nhà Văn hóa Thanh niên mỗi dịp Tết đến, Xuân về mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút hàng nghìn người đến thưởng ngoạn và lưu giữ những hình ảnh đẹp về một mùa Xuân bình yên trên thành phố.

Một không gian vô cùng rực rỡ với các cụm mai vàng dọc theo mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) và không gian Phố ông đồ tái hiện lại khung cảnh những ông đồ xưa ngồi viết chữ cho khách ngày Xuân.

Cả hai mặt tiền đường cùng khoảng không gian liền kề có khoảng 50 gian hàng của các ông đồ trong trang phục áo dài, khăn đóng với khay mực, giấy trắng, giấy đỏ cùng những vật dụng trang trí gợi nhớ Tết xưa…

Tại đây, khách tham quan đến có thể xin chữ để gửi gắm những ước nguyện ngày Xuân trong một không gian văn hóa độc đáo cùng với những lời chúc Xuân, hạnh phúc, an bình trong năm mới.

Ngay trong sân Nhà Văn hóa Thanh niên là không gian vườn mai ngày Tết với hơn 100 gốc bao phủ và kết nối với sân khấu chính, cụm mai vàng, dọc theo mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai được sắp đặt nghệ thuật, đẹp mắt và hòa hợp với các gian hàng dựng bằng đước, lá dừa của các nhóm làng nghề…

Đâ cũng là nơi diễn ra các hoạt động dân gian ngày Tết như nặn tò he, làm tranh nghệ thuật xoắn giấy, giấy handmade tạo hình 3D, khắc thủ công mỹ nghệ, vẽ tranh truyền thần, góc ẩm thực đèn dầu, gian hàng áo dài…

[TP. HCM tổ chức hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho các hộ khó khăn]

Chị Hà Thị Hương, nhân viên của một ngân hàng ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, tranh thủ buổi tối ra Phố ông đồ xin chữ để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn văn nghệ ngày Tết cuối năm của doanh nghiệp.

“Tết năm nay nhẹ nhàng hơn bởi thành phố vừa trải qua đợt dịch bùng phát, đời sống kinh tế của người lao động còn nhiều khó khăn. Mong ước của em là Tết đến mọi người, mọi nhà, Tết an yên. Mong sao cho đời sống kinh tế gia đình luôn được phát triển, việc làm ổn định, mạnh khỏe, no ấm, hạnh phúc,” chị Hương chia sẻ.

TP Ho Chi Minh: Hang nghin nguoi nao nuc do ve Le hoi Tet Viet hinh anh 2Khách xin chữ tại Phố ông đồ – Lễ hội Tết Việt Quý Mão năm 2023 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đạo của Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 là gram màu nóng đỏ, vàng tạo nên sắc màu rực rỡ của mùa Xuân đất trời phương Nam. Tổng thể phối cảnh sẽ tạo nên một không khí “quê nhà ngày Tết” với bếp nhà, mảnh sân, cánh đồng mênh mang hương sắc Tết, rộn ràng tiếng Xuân…

Điểm mới của Lễ hội Tết Việt năm nay là các ruộng lúa được cách điệu nhiều tầng để gợi liên tưởng đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh của đồng bằng Nam Bộ; các kệ gỗ không chỉ nhấp nhô mà còn uốn lượn tạo nên đường nét mềm mại như ngọn gió Xuân ôm trọn vườn mai.

Ngoài ra, sân khấu năm nay được thiết kế thấp, rộng và bao quát hơn như bức tường thành với rực rỡ sắc mai vàng, cúc, trúc…

Tại sân khấu, hàng đêm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc như biểu diễn Lân Sư Rồng; đờn ca tài tử cải lương; hát bội; biểu diễn thời trang; liveshow các ca sỹ, các ban nhạc trẻ… đan xen với hoạt động về ẩm thực diễn ra liên tục từ ngày 5-20/1 (tức từ chiều 14 tháng Chạp đến ngày 29 Tết), mang lại không khí vui tươi, rộn ràng cho những ngày giáp Tết sôi động.

Đặc biệt, tại Lễ hội Tết Việt còn có chương trình chăm lo Tết cho các em thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; các em nhỏ cơ nhỡ, mái ấm tình thương… Các hoạt động của Sở, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố diễn ra tại khuôn viên Lễ hội Tết Việt như chương trình “Chuyến xe mùa Xuân,” “Chuyến xe sum vầy” hỗ trợ sinh viên, công nhân về quê đón Tết; Họp mặt “Sinh viên đón Tết xa nhà;” Chương trình “Nghĩa tình mùa Xuân”… làm cho ngày Tết càng thêm ấm áp và thật nhiều ý nghĩa.

Lễ hội Tết Việt kéo dài từ ngày 5-26/1 (nhằm ngày 14 tháng Chạp đến mùng 5 Tết)./.

Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)