Ngày 28/2 (tức mồng 9/2 âm lịch), Ủy ban Nhân dân quận Long Biên (Hà Nội) tổ chức lễ khánh thành Dự án tu bổ di tích đình Trường Lâm, khai hội đình Trường Lâm Xuân Quý Mão 2023.
Tại lễ hội, người dân và khách thập phương được thưởng thức điệu múa cổ lột rắn độc đáo, một trong những nghi thức chính của lễ hội.
Đình Trường Lâm là nơi thờ ba vị Linh Lang Đại vương, Công chúa Đào Hoa và Công chúa Phù Nương, trong đó Linh Lang Đại vương là Đức thánh đệ nhất.
Tương truyền, Linh Lang Đại vương là con trai Long Vương, đầu thai làm con vua Lý Thánh Tông, gọi là Hoàng Lang. Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng Lang xin vua đi đánh giặc.
Khi giặc tan, Hoàng Lang hóa thành con bạch xà trăm trượng bò xuống hồ Tây rồi biến mất. Linh Lang Đại vương là một trong các vị thần của Thăng Long Tứ trấn.
Lễ hội đình Trường Lâm tưởng nhớ công lao của Linh Lang Đại vương và các vị thánh được thờ tại đình, đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân được no ấm, khỏe mạnh.
Lễ hội đình Trường Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.
Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn nhưng độc đáo nhất là màn múa lột rắn. Múa lột rắn tái hiện cảnh bạch xà – hiện thân của Linh Lang Đại vương – ba lần lột xác để hóa thánh. 15 thanh niên chưa vợ được tuyển chọn kỹ lưỡng bám vào nhau di chuyển thành hình con rắn uốn lượn.
Con rắn sẽ trải qua ba lần lột xác tương đương với khoảng thời gian 1 tuần hương, 3 tuần rượu. Màn múa không thể thiếu người cầm trống khẩu vừa đánh vừa hát đồng dao, chỉ huy rắn trườn, bò, lộn, thể hiện quá trình lột xác.
Sau 3 lần lột xác, rắn trườn vào trong hậu cung của đình và biến mất, sau đó phần đầu, đuôi rắn được làm lễ “phần hoàng,” tức hóa vàng.
Theo tiến sỹ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), trong 269 nơi thờ Linh Lang Đại vương, chỉ duy nhất đình Trường Lâm có điệu múa lột rắn.
Điệu múa vừa thể hiện sự tích Linh Lang Đại vương, vừa thể hiện mong muốn tiêu thoát nước, trị thủy của người dân.
[Những trò chơi lễ hội Xuân không thể bỏ qua ở đồng bằng Bắc Bộ]
Hình ảnh uốn lượn của rắn tượng trưng cho dòng nước chảy lên xuống. Sau màn trống hội, múa rồng, lột rắn, nhân dân địa phương được tham gia nhiều hoạt động lễ hội khác như: rước nước, rước văn, tế thánh, đá cầu, bóng chuyền hơi…
Trưởng Tiểu ban quản lý Di tích đình Trường Lâm Âu Xuân Kiên cho biết nghi thức múa lột rắn và Lễ hội làng Trường Lâm có từ khoảng thế kỷ 15, cùng với sự hình thành của đình làng.
Những năm gần đây, di tích và lễ hội ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cũng như cộng đồng. Thanh niên hăng hái tham gia tập luyện để có thể thể hiện màn múa lột rắn nhuần nhuyễn, đẹp mắt nhất.
Cũng trong ngày khai hội, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên đã khánh thành dự án tu bổ Di tích đình Trường Lâm, sau một năm thực hiện.
Các hạng mục chính được tu bổ, tôn tạo gồm: tường đại đình, tả vu, hữu vu, tả môn, hữu môn, tường rào, thủy đình và khu phụ trợ; tôn tạo cổng rước kiệu, sân, đường dạọ…
Tại lễ khánh thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh quận luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản trên địa bàn, trong đó có đình Trường Lâm và Lễ hội Trường Lâm, đồng thời bày tỏ mong muốn nhân dân tiếp tục phát huy giá trị di tích sau khi tiếp nhận bàn giao.
Cụm di tích đình-chùa Trường Lâm được công nhận là di tích quốc gia năm 1992, trong đó ngôi đình là một kiến trúc cổ, tòa đại đình có cấu trúc 5 gian 2 dĩ. Các phần nội thất, đồ thờ tự của ngôi đình được chạm trổ rất tinh tế./.