Đã thành thông lệ, hàng năm, tòa soạn Báo Điện tử VietnamPlus đều tổ chức những chuyến về nguồn để thăm và dâng hương tại các di tích lịch sử. Đây là một hoạt động thiết thực để nhắc nhở mỗi cán bộ, phóng viên về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tri ân các anh hùng liệt sỹ, từ đó thêm trân trọng, tự hào về nền độc lập, tự do mà chúng ta đang có.
Mỗi chuyến đi giúp mở mang kiến thức và củng cố tinh thần, đạo đức báo chí cách mạng của đội ngũ những người làm Báo Điện tử VietnamPlus.
Năm nay, điểm đến của báo là mảnh đất linh thiêng Côn Đảo, nơi đang lưu giữ dấu tích 113 năm (1862-1975) nếm trải “địa ngục trần gian” của những chiến sỹ cách mạng kiên trung.
Dấu ấn ‘địa ngục trần gian’
Là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách Thành phố Hồ Chí Minh 230km, Côn Đảo từ xa xưa đã là nơi giam giữ, tra khảo và hành hình hàng vạn tù nhân chính trị.
Nói về Côn Đảo, người đời phải cảm thán rằng: “Nước Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ!”
[Báo Điện tử VietnamPlus: 13 năm thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện]
Mỗi người Việt Nam đều biết rằng nơi đây ghi dấu tội ác khủng khiếp của quân thù và cũng là mảnh đất ngời sáng ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sỹ cách mạng, những người dân Việt Nam yêu nước thương nòi.
Chính vì vậy, mỗi thành viên Báo Điện tử VietnamPlus đều cảm thấy bồi hồi, xúc động khi đến với mảnh đất này.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Bảo tàng Côn Đảo. Tại đây, chị Lê Thị Ánh Tuyết, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo thuyết minh cho chúng tôi nghe tổng quan về giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Nhà tù Côn Đảo, Di tích quốc gia đặc biệt (được công nhận ngày 10/5/2012).
Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật trưng bày tại đây khiến chúng tôi rùng mình trước chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, cũng cảm phục khí phách, ý chí và niềm lạc quan của người tù yêu nước.
Tiếp đó, chúng tôi di chuyển đến di tích Nhà tù Côn Đảo, tận mắt nhìn thấy nơi giam cầm các chiến sỹ cách mạng, nghe chị Lê Thị Ánh Tuyết kể về những thủ đoạn tra tấn người tù dã man như rắc vôi bột rồi dội nước để thân thể bỏng rát, phơi nắng trong nhiều giờ, dùng gậy chọc xuống từ nóc “chuồng cọp”…
Đứng trong dãy phòng giam ngột ngạt, ai nấy đều rưng rưng bởi những đớn đau của cha ông khi xưa dường như đang hiển hiện trong tâm trí mình hết sức rõ ràng.
Rời khỏi khu vực nhà tù, tham quan một vòng Côn Đảo, chúng tôi mới thấy khắp trên hòn đảo xanh tươi này đâu đâu cũng có dấu tích tàn ác của quân xâm lược: Sở Lò vôi là nơi các tù nhân phải đi lấy san hô ngoài biển đem về và nung thành vôi bột; Cầu tàu 914 – nơi chôn vùi thân xác 914 người tù khổ sai; Chuồng bò – nơi tra tấn người tù đến tàn phế…
Khắp nơi trên hòn đảo xinh đẹp này, có ở đâu không ghi dấu “địa ngục trần gian”?
Vang mãi bài ca bi hùng
Điểm tiếp theo của hành trình “về nguồn” là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng Võ Thị Sáu…
Dâng nén hương thơm ở Đài tưởng niệm, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus hướng về anh linh hàng vạn chiến sỹ cách mạng và những người dân Việt Nam yêu nước đã mãi mãi nằm lại mảnh đất Côn Đảo.
Sau gần 20 năm xây dựng, Nghĩa trang Hàng Dương mới có 1.918 ngôi mộ, trong đó chỉ 713 ngôi mộ có tên, nghĩa là thân xác của gần 2 vạn người tù khác hiện vẫn bị vùi lấp đâu đó dưới cỏ cây, đất đá Côn Đảo. Họ đã trở thành “hồn thiêng sông núi” trường tồn cùng lịch sử bi hùng của dân tộc.
Lúc chúng tôi đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu, trời bỗng lất phất mưa. Mọi người vẫn đứng yên lặng tại nơi an nghỉ của chị, lắng nghe chất giọng miền Nam ấm áp của hướng dẫn viên kể về cuộc đời người nữ anh hùng.
Chị Võ Thị Sáu hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952. Khi giặc Pháp đưa chị ra xử bắn, với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca, với tinh thần lạc quan cách mạng, chị đã thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sỹ cộng sản.
Trước giờ hành hình, viên cha đạo muốn làm lễ rửa tội cho Võ Thị Sáu nhưng chị từ chối và một lần nữa khẳng định: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới có tội.”
Võ Thị Sáu bị dẫn ra pháp trường ở Hàng Dương, Côn Đảo. Đối diện với cái chết, chị vẫn hiên ngang, nhất quyết không quỳ và phản đối bịt mắt: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”
Trong tôi bỗng vang lên bài hát nổi tiếng về người nữ anh hùng mà tôi đã được nghe từ khi còn nhỏ, từ những bài học lịch sử trong nhà trường: “Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lui.”
Trên mảnh đất linh thiêng này, hình tượng chị Võ Thị Sáu trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Trần Tiến Duẩn xúc động chia sẻ: “Hàng năm, hoạt động ‘về nguồn’ đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Báo Điện tử VietnamPlus. Chúng tôi tìm về những di tích lịch sử để tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu, tuổi trẻ cho độc lập dân tộc. Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai, sau mỗi chuyến đi, chúng tôi biết trân trọng hơn những gì mình đang có, từ đó nâng cao thêm ý thức trách nhiệm trong công việc, tăng cường đoàn kết để xây dựng tập thể ngày một lớn mạnh.”
Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Đoàn Ngọc Thu là người lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi lần này (24-26/6). Chị rưng rưng xúc động khi đến dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương.
“Năm nay, chúng tôi chọn điểm đến là Côn Đảo. Đoàn đi thăm Bảo tàng Côn Đảo, hệ thống Nhà tù Côn Đảo… nơi tập trung đông nhất hệ thống cai trị nhà tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước chí khí cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước,” chị chia sẻ.
Nhà báo Đoàn Ngọc Thu đánh giá đây là chuyến đi nhiều cảm xúc và rất có ý nghĩa với mọi thành viên trong đoàn, bởi Côn Đảo là “trường học cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sỹ trên trận tuyến nhà tù đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Rời Côn Đảo, chúng tôi lưu luyến ngắm nhìn những bãi cát dài lấp lánh trong nắng, những hàng dương rì rào bên bờ biển. Chúng tôi hiểu rằng hàng vạn trái tim yêu nước đã “dâng trọn cuộc đời/ Để chiến đấu với bao niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước.” Họ đã trở thành trầm tích của mảnh đất này, để ngày hôm nay, Côn Đảo tươi đẹp, thanh bình biết bao: “Bình minh đang rực sáng cho hoa kia nở/ Mùa Xuân lan tràn xứ sở…”.