Ngày nay, mọi người dùng Internet đều có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung và kiếm tiền từ đó còn các nền tảng báo chí truyền thống lại đang mất dần độc giả.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, trực tiếp đi tìm độc giả ở các nền tảng số, phát triển các mô hình kinh doanh mới mẻ.
Ngày 15/6, Báo điện tử VietnamPlus tổ chức tọa đàm “Mô hình kinh doanh báo chí: Lựa chọn nào cho Việt Nam” nhằm tìm hướng giải quyết một trong những bài toán khó giải nhất đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Bài toán khó của báo chí
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo VietnamPlus đặt ra vấn đề 2 năm qua đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí gặp nhiều khó khăn. Nhưng trên thực tế, những khó khăn này đã xuất hiện từ trước đó.
[Chính sách hỗ trợ của Chính phủ: Bao giờ gọi tên cơ quan báo chí?]
“Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội khiến kinh tế báo chí phải san sẻ nguồn thu từ quảng cáo, bán báo… Trên bờ vực ‘sống còn,’ các tòa soạn có nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa nguồn thu để tăng thêm lợi nhuận từ hoạt động báo chí của mình,” nhà báo Trần Tiến Duẩn nói.
Ông Duẩn bày tỏ mong muốn rằng tọa đàm sẽ là nơi các chuyên gia, các nhà nghiên cứu chia sẻ ý kiến, ý tưởng cũng như kinh nghiệm thực tế, góp phần giúp các tòa soạn tìm ra hướng đi phù hợp nhất, vừa giải được bài toán kinh tế, vừa giải được bài toán công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi số.
Báo cáo của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA) cho thấy trong khi lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số, từ độc giả số đang tăng thì lợi nhuận từ quảng cáo truyền thống lẫn khu vực phát hành báo in tiếp tục giảm sâu. Theo thống kê của hai đơn vị tư vấn thị trường là We are social và Kepios, tổng giá trị của thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ lên tới 812 triệu USD, tăng trưởng tới 22% so với năm trước đó.
“Chính vì vậy, báo chí cần tận dụng tốt cơ hội của mình để mở rộng thị phần từ ‘miếng bánh’ mà phần béo bở nhất đang do các ‘gã khổng lồ công nghệ’ nắm giữ. Trong đó, việc chuyển đổi số, tận dụng những công nghệ, công cụ hiện đại chính là nhiệm vụ hàng đầu,” ông Duẩn nói.
Đánh giá về tình hình kinh tế báo chí hiện nay, ông Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập tạp chí VietnamFinance cho rằng Việt Nam vẫn luôn là một thị trường lớn cho hầu hết mọi loại hình hàng hoá dịch vụ. Với lượng bạn đọc trải rộng trên toàn quốc, dư địa thị trường cho các hoạt động kinh doanh báo chí là rất lớn.
“Trên thực tế, dù phải đối mặt với những thách thức mới trong kỷ nguyên số, trên môi trường mà những gã khổng lồ xuyên biên giới đang thống trị, báo chí Việt Nam vẫn tìm thấy một vài điểm sáng để tiến hành chuyển đổi cả mô hình phát triển lẫn kinh doanh,” ông Minh bày tỏ sự tin tưởng.
Chủ động tìm đến độc giả
Tham gia tọa đàm, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo VietnamPlus phân tích xu hướng phát triển báo chí và từ đó đưa ra những mô hình kinh doanh báo điện tử hiện đại.
Nghiên cứu sự phát triển của báo chí thế giới, ông Nhật đưa ra một khái niệm mới trong ngành truyền thông là “du mục trong thời đại số,” theo nghĩa độc giả ở đâu thì báo chí theo đến đó. Lý do là độc giả không còn thụ động ngồi chờ báo chí cung cấp tin tức. Muốn phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn phải “lao đến” các nền tảng mà người đọc (và cả người xem) đang tập trung đông đảo ở đó.
Lấy TikTok làm ví dụ, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật khẳng định sự hấp dẫn và thành công của mạng xã hội này.
“Bí quyết thành công của TikTok không chỉ là đánh trúng nhu cầu xem video dạng ngắn (30s, 60s) trên điện thoại di động của giới trẻ, mà còn bởi họ hiểu khán giả. Để làm được điều đó, đương nhiên TikTok sẽ phải thu thập dữ liệu (data) người dùng,” ông Nhật nói.
Từ đó, ông Nhật cho rằng các cơ quan báo chí cần tiến hành thu thập dữ liệu độc giả, không chỉ đơn giản là hiểu được độc giả của mình là ai, hoặc biến độc giả thường thành độc giả trả phí, mà còn nhằm khai thác những tiềm năng của nguồn tài nguyên mới quan trọng nhất trong thế kỷ 21 là dữ liệu.
Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn quốc tế các tạp chí (FIPP), việc quảng cáo trúng đích có giá trị cao hơn các vị trí quảng cáo, trong khi việc phân tích các tệp độc giả mà mình nắm giữ chính là cách để báo chí phân phối những quảng cáo đi tới đúng đối tượng mà nhãn hàng quan tâm. FIPP cho rằng các cơ quan báo chí mạnh về công nghệ thì có lợi thế để gia tăng được lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số.
“Sử dụng những công cụ hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giữ chân và phát triển độc giả trung thành có thể giúp báo chí tăng lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số, đồng thời bước vào lĩnh vực mới là thu phí bạn đọc. Cả WAN-IFRA, Viện nghiên cứu báo chí Reuters lẫn FIPP đều coi đây mới là nguồn thu mang tính bền vững của báo chí,” ông Nhật chia sẻ.
Mặc dù vậy, ông Nhật đánh giá đây vẫn là con đường nhiều chông gai đối với báo chí Việt Nam. Những tờ báo đang tiến hành thử nghiệm thu phí độc giả như VietnamPlus, VietnamNet hay tạp chí Ngày Nay đều chưa tạo được sức bật từ mô hình này.
Chia sẻ với khó khăn đó, ông Hoàng Anh Minh cho rằng khi vấn đề bản quyền chưa được giải quyết thì công chúng chưa sẵn sàng cho việc trả tiền, đơn giản là họ vẫn có thể đọc miễn phí đâu đó.
“Vấn đề bản quyền rất nhức nhối từ nhiều năm nay ở Việt Nam và chưa có các dấu hiệu cho thấy được cải thiện. Cá nhân tôi rất hy vọng trong tương lai vấn đề này sẽ được giải quyết, để các tờ báo/nhà báo giỏi có điều kiện ‘bán’ các sản phẩm tốt của mình theo đúng với giá trị thật. Và cũng chỉ khi đó, các giá trị nghề nghiệp cơ bản mới được đề cao, giúp cho lĩnh vực này phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả cho đời sống,” ông Minh nói.
Tập trung vào thị trường ngách
Theo các chuyên gia, Việt Nam mới ở điểm khởi đầu của chuyển đổi số cũng như thử nghiệm thu thập dữ liệu độc giả để cá nhân hóa trang tin và xây dựng độc giả trung thành. Vì vậy, các tòa soạn cần có nhiều thời gian hơn để nâng cao nhận thức độc giả về vấn đề thu phí, song song với việc giải quyết các tồn tại về bản quyền, cách thức thanh toán…
Trong lúc đó, các cơ quan báo chí không nên giới hạn mình ở một địa hạt nào đó mà hãy mạnh dạn tấn công vào các thị trường ngách phù hợp mà mình có ưu thế hoặc có đủ nguồn lực để phát triển,” ông Nhật nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Chu Minh Trường, Thư ký tòa soạn Tạp chí Nhịp cầu đầu tư chia sẻ: “Là tạp chí chuyên sâu về kinh doanh nên chúng tôi tập trung đầu tư cho đối tượng độc giả đặc thù là các doanh nhân. Mô hình mà chúng tôi kiên định theo đuổi đồng thời đạt được thành công vững chắc là kết hợp giữa phát hành và tổ chức sự kiện, giải thưởng, xuất bản các báo cáo chuyên đề, dữ liệu dành cho doanh nghiệp.”
Bà Hoàng Thuỷ Chung, nguyên Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng nhận định rằng tổ chức sự kiện là mảng quan trọng mà gần đây các cơ quan báo chí đều cố gắng xây dựng bên cạnh những sản phẩm lõi về nội dung.
“Những hoạt động sự kiện giúp làm giàu hơn hệ sinh thái của các cơ quan báo chí, làm thương hiệu tốt, tiếp cận độc giả tốt hơn và mang lại doanh thu đáng kể. Với những tờ làm sự kiện tốt thì mảng này chiếm tới 40-50% tổng doanh thu của báo,” bà chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sự kiện, ông Trần Đăng Sơn, Phó Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) cho hay những sự kiện như Giải thưởng âm nhạc Cống hiến, Giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội, Giải biếm họa báo chí Rồng tre, Giải thưởng nghệ thuật thiếu nhi Dế mèn… đã góp phần tăng uy tín và doanh thu cho báo.
“Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng tổ chức sự kiện là để nâng cao vị thế, uy tín của tờ báo, chứ không xác định làm kinh doanh, đặc biệt là khi tổ chức những sự kiện có người nổi tiếng tham dự hoặc làm truyền hình trực tiếp thì cần kinh phí rất lớn,” ông Sơn chia sẻ.
Qua nhiều mùa giải chất lượng, các giải thưởng này được độc giả đón nhận, qua đó tác động tích cực cho doanh thu quảng cáo cũng như dễ dàng kêu gọi tài trợ./.