Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh đã vẽ lên viễn cảnh biến con sông “oằn mình” gánh nước thải của thành phố Hà Nội trở thành một không gian tuyệt đẹp với hàng loạt các công trình văn hóa trải dài.
Ý tưởng này của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã giành giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2021.
Ngày 7/7, JVE Group và Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ (CTCS) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học tìm kiếm giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch nhằm từng bước biến dự án thành hiện thực.
Hóa giải dòng sông ô nhiễm
Tóm tắt dự án, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc CTCS cho hay mục tiêu trọng tâm là giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch. Khi vấn đề này đã được giải quyết, CTCS, JVE Group và đối tác Nhật Bản sẽ tiến hành xây dựng Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh Tô Lịch (Công viên Hữu nghị Việt-Nhật) gồm các hạng mục: Hệ thống phù điêu tóm tắt lịch sử các triều đại, cụm tượng đài các danh nhân văn hóa, sân khấu nghệ thuật, tranh tường, 63 không gian văn hóa của các tỉnh thành, hệ thống cây xanh…
[Hà Nội: Đưa công nghệ hiện đại “giải cứu” sông Tô Lịch]
“Sông Tô Lịch sau khi được cải tạo sẽ có giá trị vô cùng to lớn về mặt chính trị, văn hóa, lịch sử, du lịch, sẽ tạo ra việc làm cho hàng vạn người lao động. Việc phát huy giá trị sông Tô Lịch cũng sẽ là tiếng chuông thức tỉnh cho nhiều công trình văn hóa đang ‘ngủ say’ của Thủ đô,” tiến sỹ Nguyễn Hoàng Điệp cho biết.
Sau khi xem bản thiết kế 3D của dự án, thạc sỹ Nguyễn Nữ Hoàng Anh (Văn phòng Quốc hội) tỏ ra tâm đắc và cho rằng: “Nếu dự án trở thành hiện thực, dòng sông không còn ô nhiễm mà trở thành không gian văn hóa rộng lớn, Hà Nội sẽ lập một kỳ tích mang dấu ấn thời đại.”
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tiến sỹ-kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá cao ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa bởi dòng sông đã gắn liền với những sự kiện lịch sử, truyền thuyết và đi vào thơ ca, văn học nghệ thuật.
“Sông Tô Lịch không chỉ mang yếu tố cảnh quan của thành phố mà nó còn mang trong mình yếu tố văn hóa truyền thống, có chức năng cấp nước phục vụ nông nghiệp. Nếu được triển khai, dự án không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, làm sạch dòng nước… mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa của Hà Nội,” ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Tìm giải pháp tổng thể
Các nhà khoa học ghi nhận rằng ý tưởng của đề án này rất táo bạo, khả thi song còn cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các chuyên gia liên ngành bởi thực tế, sông Tô Lịch là điểm hẹn của rất nhiều các nghiên cứu nhưng đều chưa được thực hiện trọn vẹn. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa đưa ra được phương án giải quyết những vấn đề tổng thể của cả hệ thống.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, từ năm 2011, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được.
“Vấn đề hiện nay cần phải làm sạch nước sông thì mới tính đến chuyện khai thác,” ông nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng dự án Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh Tô Lịch cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập.
Về các thiết chế văn hóa trong công viên, ông Nghiêm cho rằng cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, dân tộc học để xây dựng các hạng mục đảm bảo thẩm mỹ.
“Trước đây, để dựng tượng đài Vua Lý Thái Tổ bên Hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi đã lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia, bàn bạc trong nhiều năm mới thống nhất được. Nay, dự án có tham vọng đặt một loạt tượng danh nhân văn hóa các triều đại thì phải nghiên cứu rất kỹ,” ông nói.
Đồng tình với ý kiến đó, tiến sỹ Mai Thanh Hải (Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc) cho rằng tiêu chí tuyển chọn các biểu tượng văn hóa cần được chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng.
“Tôi cho rằng cần thành lập hội đồng bao gồm các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà khoa học để chọn lọc những danh nhân văn hóa thật tiêu biểu của mỗi thời đại,” ông nói.
Đóng góp thêm cho dự án, ông Hải quan tâm cụm công trình cung cấp năng lượng điện cho các hoạt động văn hóa-nghệ thuật sinh hoạt dân sinh ở dọc hai bên bờ sông.
“Sông Tô Lịch sau khi cải tạo cả không gian trên mặt đất và hệ thống cao tốc ngầm đều cần phải có nguồn điện năng cung cấp liên tục 24/24h. Nguồn điện đó lấy từ đâu trong khi nguồn điện lưới quốc gia còn thiếu hụt. Do vậy, giải pháp duy nhất là xây dựng hệ thống điện năng lượng Mặt trời,” ông nói./.