Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, mùa hè là mùa diễn ra nhiều kỳ thi quan trọng, như thi chuyển cấp, thi đại học, với sự cạnh tranh vô cùng gắt gao, khốc liệt, khiến cho các sĩ tử ngày đêm lo lắng, thậm chí đến các bậc phụ huynh cũng cảm thấy “đứng ngồi không yên”.
Đặc biệt, ở nhiều nước châu Á, tư tưởng bố mẹ so sánh điểm số của con mình với “con nhà người ta”, hay thậm chí là giữa những đứa con trong cùng một gia đình diễn ra rất phổ biến, khiến các sĩ tử luôn cảm thấy “ngộp thở”.
Thế nhưng, đây cũng là một vấn đề cần chúng ta suy nghĩ nghiêm túc: Liệu kết quả học tập của một đứa trẻ có thể quyết định hoàn toàn đến tương lai của chúng không? Liệu có phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần phải học đại học thì mới có một cuộc đời ý nghĩa?
Câu chuyện tại Malaysia sau đây có lẽ sẽ khiến cho một số bậc cha mẹ quá quan trọng điểm số của con cái phải nhìn lại mình.
Cậu con trai út gây thất vọng
Theo thông tin từ tờ World Of Buzz của Malaysia, câu chuyện được một ông bố đăng tải trên trang Facebook Penang Kini vào giữa tháng 6 vừa qua. Đây chính là lời thú nhận của ông, là bằng chứng về sự hối hận của ông sau nhiều năm có những suy nghĩ phiến diện về cậu con trai út.
Bài đăng của ông bố trên trang Facebook Penang Kini.
Theo lời chia sẻ từ ông bố này, ông có 3 người con. Hai người con đầu của ông là một bác sĩ và một kỹ sư. Trong khi đó, người con út lại chỉ là một công nhân nhà máy bình thường với chứng chỉ SPM (một chứng nhận giáo dục ở Malaysia, tương đương với bằng phổ thông trung học tại Việt Nam). Vì đã chi khá nhiều tiền cho cậu con trai út học hành nhưng kết quả lại không được như ý, nên ông bố đã cảm thấy rất thất vọng.
Thậm chí, ông còn không tiếc lời nhiếc móc con trai út vì đã khiến cho gia đình mất mặt.
Cậu con trai út chỉ làm công nhân khiến bố rất thất vọng. (Ảnh minh họa)
“Hãy nhìn anh chị của mày xem. Chúng nó đều rất thành đạt, thế mà mày thì lại chỉ là một công nhân làm việc ở nhà máy. Mày đúng là nỗi ô nhục cho cái gia đình này”, tôi đã từng mắng mỏ thằng con út như thế đấy – ông bố tự thú trong bài viết.
Biến cố lớn trong đời và sự hối hận của người cha
Nhiều năm sau, tình cảm cha con vẫn không mấy mặn mà vì sự thờ ơ của ông bố. Cậu con trai út làm công nhân của một nhà máy ở khá xa nên họ cũng không mấy khi gặp nhau.
Thế rồi, một biến cố bất ngờ xảy ra với gia đình người đàn ông này khi ông ta bỗng dưng bị đột quỵ, vợ ông cũng đột nhiên đổ bệnh, không thể chăm sóc chồng. Vợ chồng ông định sẽ trông cậy vào 2 người con thành đạt, người thì làm bác sĩ, người thì làm kỹ sư.
Tuy nhiên, hy vọng của ông đã vỡ vụn khi 2 người con này đã không thể chăm sóc ông vì họ quá bận rộn.
“Dù chúng có ở nhà nhưng chỉ một lát là chúng sẽ đều bỏ ra ngoài hết”, ông bố kể tiếp.
Thế rồi, một hôm, cậu con trai út bỗng dưng xuất hiện trước cửa nhà với một chiếc va ly rất to. Khi được hỏi tại sao lại trở về, cậu đã nói với cha mình rằng cậu vừa mới bỏ việc.
“Con bỏ việc để về nhà chăm sóc bố mẹ”, câu nói của cậu con trai út khiến người cha vừa xúc động vừa hối hận đến trào nước mắt.
Cậu con trai út bỏ việc để về chăm sóc bố mẹ. (Ảnh minh họa)
Giờ đây, người đàn ông đã phải dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của cậu con trai út đã bị ông khinh thường vì không học hành giỏi giang, thành đạt như các anh chị của mình. Cuối cùng, ông cũng hiểu ra được sai lầm của mình.
“Hồi ấy thằng bé học không giỏi, nhưng nó lại là người sống rất có trách nhiệm”, ông bố ngậm ngùi.
Cuối cùng, người cha ấy đã kết thúc bài đăng của mình bằng một lời khẳng định: “Thất bại trong học tập không phải là sự chấm hết”, và mong rằng các bậc phụ huynh đừng bao giờ vội vàng đánh giá hay phán xét nếu con mình không có kết quả học tập tốt.
Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện đã nhận được nhiều sự cảm thông và chú ý từ các cư dân mạng với hơn 9k lượt xem, hàng trăm lượt bình luận và hơn 1k lượt chia sẻ.
“Tôi cũng chỉ học hết trung học rồi đi làm công nhân ở nhà máy, nhưng tôi vẫn có thể mua đất, xây nhà và chăm sóc mẹ tôi đến khi bà qua đời”, 1 cư dân mạng bình luận và bình luận này đã được thả tim tới hơn 200 lượt.
“Có bằng cấp này nọ cũng tốt, nhưng nếu có bằng cấp mà chẳng thể chăm sóc bố mẹ lúc về già thì có ý nghĩa gì chứ?”, 1 người khác bày tỏ quan điểm.
“Có bằng đại học hay không cũng chẳng sao, miễn là bạn luôn cố gắng, chăm chỉ và được làm công việc mà mình yêu thích”, 1 người nữa khẳng định.
Theo World Of Buzz/ttvn.toquoc.vn