Tình phí cũng leo thang theo bão giá

Xem bài viết

Tình phí cũng leo thang theo bão giá - Ảnh 1.

Mỗi tháng Thư dành ra từ 4-5 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt. Nếu muốn có những buổi hẹn hò chất lượng, cô thật sự phải để dành 1 khoản.

Trước đây, trong ngày kỷ niệm, sinh nhật, cả hai thường tận hưởng dịp đặc biệt bằng bữa tối lãng mạn ở nhà hàng sang trọng hoặc đi spa.

Tuy nhiên, từ khi chuyển sang công việc mới, mức thu nhập giảm xuống, Thư lo ngại tiền lương không đủ để trang trải sinh hoạt phí hàng tháng.

“May mắn là tôi có tiền tiết kiệm riêng nên vẫn ‘cầm chừng’ được đến hiện tại. Hồi trước đổ xăng chỉ có 70.000 đồng nhưng giờ thì 100.000 đồng mới đầy bình.

Tôi và bạn trai phải hạn chế đi chơi xa, chỉ vào những địa điểm gần nhà. Khi đi ăn uống bên ngoài, chúng tôi cũng giới hạn gọi món trong tầm khoảng 300.000 đồng đổ lại”, Thư bày tỏ.

Tình phí cũng leo thang theo bão giá - Ảnh 3.

Chi phí hẹn hò leo thang theo sự biến động của thị trường giá cả khiến các đôi trẻ phải “cân đo đong đếm” lại tiền sinh hoạt. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong bối cảnh lạm phát, chi phí hẹn hò cũng không ngừng tăng. Valentine 2022 trở thành lễ tình nhân đắt nhất từ trước đến nay khi mọi mặt hàng đều đội giá, theo CNBC.

Dữ liệu được tổng hợp bởi trang tài chính cá nhân The Balance cho thấy giá chocolate tăng 9%, trang sức tăng 10-15%, hoa hồng tăng 54%.

Không chỉ quà tặng, chi phí cho một bữa tối lãng mạn ở nhà hàng hay tại nhà riêng cũng đang tăng. Giá rượu tăng 2,5-18% trong khi món steak có thể tăng giá 50-63% so với năm ngoái.

CNBC cũng khẳng định tiền chi cho tình yêu cũng trở thành một trong những gánh nặng của người trẻ sau dịch và lạm phát.

“Nhiều người cho rằng đó là chuyện nhỏ, nhưng thực tế là cần một khoản tiền để duy trì tình yêu. Những thứ nghe có vẻ lãng mạn như một bó hoa, một ly nước, một bữa ăn, thực tế lại cần rất nhiều tiền để duy trì” theo CNBC.

Giảm tần suất hẹn hò

Theo Thư, bão giá ảnh hưởng đến hình thức hẹn hò nhưng không làm giảm chất lượng yêu đương của cô và người yêu.

Nữ nhân viên văn phòng xem đây là thử thách cho cả hai.

Với tình hình hiện tại, đôi trẻ đã thống nhất lại mức tiêu xài cho mối quan hệ. Chẳng hạn, những buổi đi chơi sang trọng, quà tặng, ăn uống tốn kém đều bị loại khỏi danh sách hẹn hò.

Tình phí cũng leo thang theo bão giá - Ảnh 5.

Huỳnh Thư xem bão giá là thử thách cho các đôi trẻ. Ảnh: NVCC.

“Chúng tôi không đặt nặng vật chất miễn sao có thời gian bên nhau là vui rồi. Tôi vẫn chưa muốn nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình. Hai đứa vừa mới tốt nghiệp và cũng cần tiết kiệm cho tương lai. Vậy nên khoản nào cắt giảm được thì càng tốt”, Thư kể.

Bảo Châu (23 tuổi, quận Gò Vấp) cũng chung quan điểm. Theo Châu, giá cả leo thang không phải là vật cản cho sự lãng mạn.

Thay vào đó, điều này khiến tình yêu trở nên ý nghĩa hơn khi cô và “nửa kia” cùng nhau giải bài toán chi tiêu trong thời bão giá.

“Tôi nghĩ đây là chất xúc tác cho mối quan hệ bền chặt hơn. Đối mặt với lạm phát, chúng tôi cùng tìm cách khắc phục khó khăn như giảm tần suất gặp nhau còn 2-3 lần/tuần và tập trung cho những cuộc hẹn chất lượng”.

Khác với những lần chi tiêu xông xênh trước đây, giờ ăn uống không còn là hoạt động chủ yếu trong các buổi hẹn hò của Châu và người yêu. Hai người chuyển sang các hình thức chú trọng trải nghiệm như đi thư viện, tham dự triển lãm hoặc trồng cây.

Châu cho biết thêm nhờ thói quen ăn cơm nhà, pha cà phê mang đi làm nên chi phí phát sinh hàng tháng không quá chênh lệch. Cô vẫn tiết kiệm được một khoản riêng và không cần cắt giảm chi phí hẹn hò.

Tình phí cũng leo thang theo bão giá - Ảnh 7.

Bảo Châu và người yêu cắt giảm những buổi ăn uống bên ngoài và tăng hoạt động trải nghiệm. Ảnh: NVCC.

“Không có con số cụ thể nào chứng minh cho chất lượng tình cảm. Quan trọng là cả hai biết thấu hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của nhau để giảm bớt gánh nặng cho người còn lại”, Châu chia sẻ.

Theo số liệu công bố năm 2022 của Numbeo, cơ sở dữ liệu toàn cầu về giá tiêu dùng, tỷ lệ tội phạm, chất lượng chăm sóc sức khỏe… chi phí sinh hoạt hàng tháng của một người tại Việt Nam là 10,4 triệu đồng.

TP.HCM là nơi có mức sống đắt đỏ nhất cả nước với chi phí sinh hoạt của hộ 4 người là 40,4 triệu đồng và một người là 11,4 triệu đồng.

Dựa vào doanh thu bán lẻ, Sở Công Thương TP.HCM nhận định sức mua trên thị trường hiện tại còn yếu, chưa bằng giai đoạn trước dịch Covid-19. Người tiêu dùng chỉ chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu.

Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân tiết kiệm chi tiêu hơn.

Lo lắng cho tương lai

Khảo sát năm 2021 của The Balance cho thấy đại dịch đã thay đổi thói quen chi tiêu trong hẹn hò của Millennial và Gen Z.

The Balance đã khảo sát 1.000 người Mỹ ở độ tuổi 18-40 đang yêu đương hoặc tìm kiếm bạn đời. 25% người được hỏi cho biết họ chi tiêu nhiều hơn và 25% cho biết phải cắt giảm chi phí hẹn hò.

Những người tiêu nhiều tiền hơn cho rằng đó là do chi phí tăng cao vì lạm phát và hẹn hò thường xuyên hơn để bù đắp thời gian xa cách trong đại dịch. Trong khi đó, nhóm người cắt giảm giải thích rằng tình hình tài chính của họ trở nên tồi tệ hơn vì Covid-19.

Cuộc khảo sát với 2.000 người của một nhà cung cấp dịch vụ hẹn hò hàng đầu vào năm 2019 cho thấy người Anh chi tiêu trung bình 1.349 bảng Anh/năm (1.642 USD) cho các cuộc hẹn hò.

Tình phí cũng leo thang theo bão giá - Ảnh 8.

Chi phí hẹn hò tăng theo lạm phát khiến nhiều đôi trẻ phải cắt giảm thói quen, sở thích. Ảnh: Duy Hiệu.

Còn theo nghiên cứu mới nhất của Ocean Finance, tình phí mỗi năm có thể tăng lên là 1.481 bảng Anh (1.802 USD) do lạm phát.

Ngoài chi phí hẹn hò, những người muốn gây ấn tượng với người yêu bằng cách cắt tóc hay mua trang phục mới sẽ tốn thêm khoảng 81,66 bảng Anh (99,36 USD).

Theo dữ liệu của YouGov, chi phí cắt tóc trung bình là 22,08 bảng Anh (26,88 USD) và một bộ trang phục mới trung bình là 59,58 bảng Anh (72,54 USD).

Các chi phí phát sinh như mua hoa tặng nửa kia, bắt taxi đến buổi hẹn hò cũng nhanh chóng leo thang.

Gần một năm qua, công viên và nhà riêng trở thành địa điểm hẹn hò thường xuyên của Thành Nhân và Ái Vy (cùng 26 tuổi, TP.HCM).

Cuối tuần, đôi trẻ hẹn nhau chạy bộ, đánh cầu lông trong công viên gần chỗ ở của Vy hoặc về nhà Nhân ăn tối, xem phim trên máy tính.

“Bạn gái tôi là người đề nghị cả hai đi chợ, mua đồ ăn về nhà tự nấu. Vài hôm bày vẽ thì tụi tôi nấu lẩu rồi gọi cả đám bạn thân sang tụ tập. Còn lại thì chủ yếu hai đứa tự nấu cơm đơn giản ăn tối với nhau”, Nhân kể.

Thói quen của đôi trẻ thay đổi sau đợt giãn cách vào giữa năm ngoái. Trước đó, Nhân và Vy chủ yếu hẹn hò ở bên ngoài: đi cà phê, ăn nhà hàng, xem phim rạp, thỉnh thoảng “đổi gió” ở Vũng Tàu, Đà Lạt…

Thành Nhân và Ái Vy chọn hẹn hò, ăn tối ở nhà thay vì thường xuyên đến nhà hàng, đi xem phim rạp như trước. Ảnh: NVCC.

“Trong năm qua, số lần hai đứa đi ăn, đi chơi bên ngoài giảm hẳn. Một phần vì dịch bệnh khiến thói quen thay đổi, phần còn lại là vì mọi thứ đều đã tăng giá, chi phí hẹn hò ngày một đắt đỏ.

Ví dụ, một buổi hẹn hò cuối tuần bên ngoài gồm đưa đón nhau, ăn tối, xem phim hoặc đi uống nước tốn khoảng 600.000-800.000 đồng. Trong khi đó, ở nhà thì ăn uống đảm bảo, tiết kiệm mà đỡ tốn tiền xăng xe. Tất nhiên, lâu lâu cũng phải thay đổi không khí bằng cách ra ngoài hẹn hò nhưng không thể thường xuyên như trước”, Vy chia sẻ.

Đầu năm nay, Nhân và Vy đã làm đám hỏi. Cả hai dự định tổ chức hôn lễ vào cuối năm.

Trong bối cảnh lạm phát, hầu hết chi phí được dự liệu từ trước đều có nguy cơ vỡ kế hoạch.

“Chi phí cưới xin, tiền thuê nhà mới khi dọn về ở chung, kế hoạch sinh em bé… Chúng tôi có quá nhiều khoản phải lo nghĩ nên hiện tại tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó”, Nhân cho biết.

Huệ Lâm – Phương Thảo