Công an huyện Bến Lức (Long An) vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Ninh (30 tuổi) về tội Cố ý gây thương tích.
Theo công an, Ninh sống cùng người tình là chị H. và bé P. (18 tháng tuổi, con riêng của chị H.). Tối 1/6, bé nhập viện trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Chị H. khai bé bị ngã, song việc khám nghiệm tử thi cho thấy Ninh là người đã gây thương tích cho P.
Kết quả giám định cho thấy bé bị trầy xước da vùng thái dương trái 5 cm, bầm xanh vùng trán trái, quanh mắt, má trái. Nạn nhân tử vong do chấn thương trước khi vào viện.
Với kết quả giám định thương tật của bé P., có căn cứ chuyển đổi tội danh đối với bị can không?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, hành vi của Ninh đã xâm phạm tới quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng và thân thể của cháu bé. Với việc bé P. còn quá nhỏ, gần như không có khả năng tự vệ, hành vi của bị can cần bị xem xét xử lý về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Phân tích về tội Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung làm chết người theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, ông Hậu cho biết yếu tố định tội quan trọng nhất đối với tội danh này là mức độ thương tật của nạn nhân. Người thực hiện hành vi nhằm xâm phạm sức khỏe, gây ra thương tật đối với người khác và không có ý định hoặc phạm tội dưới các hình thức có thể gây nguy hiểm tính mạng cho nạn nhân. Tùy thuộc kết quả giám định thương tật, người phạm tội sẽ đối mặt các khung hình phạt khác nhau.
“Với tình tiết định khung làm chết người theo khoản 4, Điều 134 Bộ luật này về tội Cố ý gây thương tích, hậu quả xảy ra nằm ngoài ý chí chủ quan, nhận thức của người phạm tội. Tình tiết này áp dụng khi người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích gây ra thương tích và thực tế đã gây ra thương tật cho nạn nhân, song thương tích quá nặng dẫn tới hậu quả chết người”, luật sư phân tích.
Còn đối với tội Giết người, người phạm tội là người có đầy đủ năng lực và nhận thức, thực hiện hành vi trái pháp luật với ý chí chủ quan nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân hoặc không cố ý song phạm tội với phương thức, cách thức nguy hiểm, có thể gây ra chết người nhưng bỏ mặc hậu quả xảy ra.
Đối với trường hợp này, Ninh là người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức trong khi bé P. còn quá nhỏ, không thể tự vệ. Do đó, ông Hậu cho rằng bị can phải nhận thức được việc tấn công, đặc biệt vào các vùng trọng yếu quanh mặt của cháu bé, có thể dẫn tới hậu quả chết người.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cũng cho rằng cần xem xét chuyển đổi tội danh của Ninh từ Cố ý gây thương tích thành Giết người.
Phân tích thêm về vụ việc, ông Giáp cho rằng một người trưởng thành phải biết rằng với một cháu bé mới 18 tuổi, sức đề kháng cơ thể, sức chịu đựng tác động từ bên ngoài còn rất yếu. Một tác động sơ suất hay một cái tát tai của người lớn cũng có thể khiến trẻ tử vong.
Nếu đủ căn cứ xác định cháu bé tử vong do hành vi của Ninh trực tiếp gây ra (như dùng tay đấm, chân đạp, đá, hay dùng vật cứng để đánh), cơ quan điều tra cần xem xét chuyển tội danh đối với bị can.
Nếu bị xử lý về tội Giết người, Ninh sẽ đối diện tình tiết định khung giết người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Hoàng Linh