Ngày 19/6, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nhà báo Phạm Quốc Toàn-Tác giả và tác phẩm” giới thiệu nhiều cuốn sách của ông từ bút ký, truyện ký, tiểu phẩm, truyện ngắn và tiểu thuyết.
Sự kiện nhằm kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) và tròn nửa thế kỷ làm báo của nhà báo Phạm Quốc Toàn kể từ khi ông nhận nhiệm vụ phóng viên báo Quân đội Nhân dân.
Nhân dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng giới thiệu tập sách mới, tập sách thứ 20 mang tên “Chuyện tình phố cổ,” tập hợp 10 bút ký được viết trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022.
[Nhìn lại sứ mệnh vẻ vang của những người làm báo cách mạng Việt Nam]
“Với bút pháp tân văn mà rất nhuần nhuyễn tính văn học, nhà báo Phạm Quốc Toàn luận bàn, bằng những câu chuyện sống động của đời sống thường ngày về tình thầy trò, thủy chung chồng vợ, tình yêu gia đình, nghĩa tình đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí, tình bằng hữu… Đọc ‘Chuyện tình phố cổ,’ người ta cảm nhận cuộc sống này thật đẹp, sáng trong, đáng yêu vô cùng,” dịch giả Dương Thanh Hoài nhận xét.
Từ cậu bé rất mê toán học, ông đi bộ đội, rồi thành người viết báo, viết văn có uy tín với chặng đường nửa thế kỷ. Ông ví quá trình đó như là một cuộc “vượt Vũ Môn” trên núi Giăng Màn ở Hà Tĩnh quê ông.
“Tôi thích rong ruổi vạn nẻo đường xa, một ngày không viết là không chịu nổi. Từ báo chuyển qua văn, báo và văn là hai thứ nhuần nhuyễn quyện vào nhau,” ông bộc bạch.
Ông luôn nhớ tời lời khuyên của nhà báo, nhà văn Phan Quang, cây đại thụ của nền báo chí đương đại nước nhà: “Hãy viết đi bạn! Có gì trong đầu, hãy cứ viết ra cho hết. Viết hay thì in nhiều, phục vụ rộng rãi công chúng. Viết chưa thật hay thì bạn bè ta đọc, gia đình mình đọc. Viết dở thì cất dành đó để cho chính mình đọc. Vậy là đời ta, ngòi bút của ta đã vô cùng mãn nguyện và có ích rồi.”
Nhà báo Phạm Quốc Toàn xem đó là một lời khuyên chí lý, chí tình đáng để hậu sinh học tập và làm theo.
“Say nghề, sống chết với nghề, không gác bút, buông bàn phím, chớ nhẹ dạ mà buông bỏ con đường mình đã lựa chọn. Chịu khó học, say viết, coi việc ngồi vào bàn mỗi ngày là chơi mà làm, làm mà chơi, là tình cảm, trách nhiệm, là nghĩa vụ và niềm tin yêu cuộc sống, vì sự nghiệp cầm bút mà mình hằng trân trọng,” ông tâm sự.
Với nhà báo Phan Quang thì nhà báo Phạm Quốc Toàn là một tài năng báo chí và văn học: “Ông đi nhiều, viết khỏe, viết nhanh, viết trúng, quảng giao rộng, nhưng là người kiệm lời, con người của sự khiêm nhường và ắp đầy nghĩa tình.”
Đánh giá về tác phẩm của nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cảm nhận: “Ở ông, văn và báo không phải hai trong một. Chúng là hai thực tế cá tính độc đáo, lạ lẫm, với sức ẩn dụ, cuốn hút khác nhau đến lạ lùng. Ông ‘gõ cửa’ văn chương muộn hơn nhưng cái ‘mầm’ văn chương, cái ‘cây’ văn chương ấp ủ và sinh trưởng trong ông từ rất lâu đến giờ bung ra thì đã sum suê, đã là quả ngọt.”./.
Tốt nghiệp báo chí hệ chính quy khóa đầu tiên của Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), ông từng giữ nhiều vị trí, từ phóng viên, biên tập viên, trưởng phòng biên tập, tổng biên tập cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và 10 năm liền là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ở độ tuổi U80, nhà báo Phạm Quốc Toàn vẫn đam mê đi và viết bằng thái độ làm việc nghiêm túc, tâm huyết, giàu tính nhân văn. Ông viết về những gì bạn đọc quan tâm, những gì xã hội cần một lời giải thấu tình, đạt lý. Với vốn hiểu biết sâu rộng, toàn diện và đời sống thực tiễn phong phú, sâu sắc, nguồn sáng tạo luôn tuôn chảy nơi ông với các tác phẩm lần lượt ra đời và được bạn đọc đón nhận như “Tản mạn về đời,” “Đời và nghề,” “Đi một ngày đàng,” “Tôi nói bằng mồm tôi,” “Xứ sở chùa Vàng,” “Đất vàng,” “Ký giả,” “Phi thường,” “Búp sen hồng,” “Lốc xoáy thời cuộc,” “Con voi chui lọt lỗ kim,” “Từ bến sông Nhùng,” “Cá chép hóa rồng”… |