Nỗi lòng thầm kín đâu chỉ gọi tên đàn bà

Xem bài viết

Đàn ông không hay nói ra, không có thói quen rủ rỉ với anh em, không hay ca thán với đồng nghiệp, không thủ thỉ với bạn bè, lại càng không túm tay ông hàng xóm khi vội vã gặp nhau lúc đi mua hộp sữa, miếng bánh cho con.

Trong hành trình hôn nhân dài, không chỉ có đàn bà là chất chứa những nỗi bất mãn, chịu đựng chồng. Đàn ông cũng thế, mỗi người mỗi cảnh, để giữ cho chiếc thuyền hôn nhân qua sóng nhỏ, sóng to rất nhiều người cũng phải chùn vai mà học chữ nhẫn.

Nỗi lòng thầm kín đâu chỉ gọi tên đàn bà - Ảnh 1.

Khi hôn nhân sóng lớn gió to, ai cũng phải chùn vai học chữ nhẫn (Ảnh mang tính minh họa – JCOMP)

1. Bà nội tôi ngày xưa nổi tiếng kỹ tính khắp vùng. Tôi nhớ nhà nội ngày ấy chỉ là nhà gỗ năm gian lót gạch tàu. Bàn thờ, tủ ghế rất nhiều, nhưng tất cả lúc nào cũng sáng loáng, ngay ngắn chỗ nào y chỗ nấy, không hề có một hạt bụi. Hơn 30 năm trước, ở nhà quê nấu ăn chỉ toàn là củi, để cái nồi lên đầu ba ông táo, nấu xong cơm, kho xong cá là nồi ơ đen thui màu khói bếp. Vậy mà trong gian bếp của nội, tôi chưa từng thấy có cái chảo, cái nồi nào có màu đen. Mọi thứ cứ sáng choang, đến thích mắt.

Lớn lên từ nếp nhà như thế, nên tất cả các cô, các chú kể cả mẹ tôi và các bác dâu cũng kỹ tính hệt như bà. Bà mất khi thím Út tôi chưa về với chú. Sau này có dịp về nhà nội ngày giỗ chạp, lắm khi tôi bắt gặp ánh nhìn ngại ngùng của chú với anh, em, con, cháu vì cửa nhà quá bề bộn.

Thím Út tôi vụng, lại không siêng việc nhà. Thím làm đâu quăng đấy. Vô tình ghé qua nhà nội, tôi dễ bắt gặp mấy cái nồi, cái chảo đen nằm chơ vơ ruồi bu kiến đậu không biết từ thuở nào chỗ sàn nước. Bàn thờ tủ kệ bụi bặm đóng lớp, mạng nhện giăng mắc khắp nơi lắm khi thêm vài tổ tò vò.

Chú tôi giống ông nội, hay có thói quen uống trà sáng. Nhìn chú cầm cái bình gãy vòi, tay cầm cũng còn một nửa, cùng với đám tách vàng xỉn, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ bình trà có hình ông tiên cầm quả đào sạch bóng luôn được ủ trong quả dừa, mấy cái tách nhỏ xíu xinh xắn nằm ngay ngắn trong cái dĩa cũng có hình ông tiên cười ngày nào của nội…

2. Tôi phải thừa nhận là chị giỏi. Để có cơ ngơi biết bao nhiêu người ngưỡng mộ như ngày nay nếu không có chị có lẽ anh không bao giờ mơ tưởng nổi. Ngày anh còn là cậu sinh viên tỉnh lẻ, đạp chiếc xe đạp sườn ngang màu vàng bong tróc, ngày không đủ ba bữa no, chị có thể mua vé máy bay về thăm nhà mỗi tháng. Lấy chị, trong khi bạn bè cùng trang lứa ở nhà thuê làm lương ba cọc ba đồng, anh có hẳn căn nhà tương đối thoải mái và một phần vốn liếng không nhỏ được ba chị hỗ trợ.

Chị thông minh sắc sảo, tính toán kỹ lưỡng, tay hòm chìa khóa, sát cánh với anh, gần 20 năm hôn nhân anh chị có một tài sản rất lớn. Hai đứa con đều được đi du học từ nhỏ.

Mới đây khi nghe chồng nói anh hỏi mượn một số tiền, tôi giật mình. Tôi lo anh vướng cảnh vợ bé vợ mọn, đàn ông với nhau sợ chồng che giấu, nên tôi dò hỏi mãi.

Hóa ra, hàng chục mẫu đất ruộng ở quê của ba má anh ngày xưa còi cọc mấy cây dừa cây chuối, giờ phát triển thành khu đô thị mới, giá trị rất lớn. Anh em nhà anh ở quê đông không mấy khấm khá, lại ít học. Ba má anh muốn chia cho mọi người. Anh không muốn nhận phần mình, muốn để cho mấy em, nhưng không dám nói với chị. Vì chị bảo anh rằng đất nhà anh, sống chết gì anh chị phải có phần.

Nỗi lòng thầm kín đâu chỉ gọi tên đàn bà - Ảnh 3.

Đàn ông cũng lắm nỗi niềm không dễ tỏ bày (Ảnh mang tính minh họa – JCOMP)

Nhìn ánh mắt chị lóe lên sắc như dao, anh không nói gì cả. Không đủ tiền, lại muốn mọi chuyện êm xuôi, anh âm thầm mượn chúng tôi để đưa chị, xem như một phần tài sản được chia…

Nhìn anh ngồi lặng lẽ rít thuốc, tôi lại nhớ bóng lưng còng còng trước nhà, bên bình trà sứt vòi của chú Út. Bỗng dưng tôi thấy lòng nặng trĩu, nghĩ về cuộc đời mông mênh và những nỗi lòng thầm kín đau đáu nào chỉ gọi tên đàn bà. Vợ chồng ở với nhau năm dài tháng rộng, đi cùng nhau trên một con đường, âu là do một chữ duyên – không phải muốn là được. Người kia mỏi chân người nọ đứng chờ, người nọ mỏi mệt cần người kia động viên hay cùng nhau ngơi nghỉ.

Vợ chồng ở với nhau nên chăng cố nghe được cái thẳm sâu trong lòng người còn lại, thấu hiểu, để nương nhau mà đi hết hành trình đời. Mỗi người cứ sống theo mình, theo thói quen hay suy nghĩ của mình mặc kệ người kia cảm nhận ra sao, thì nỗi cô đơn, buồn tủi làm sao nói hết cho vừa?

Dẫu là đàn ông, nghe chừng như mạnh mẽ, không chấp cái nhỏ nhặt; dẫu là đàn ông không tính toán thua đủ với đàn bà, nhưng liệu một mình co quắp trong nỗi niềm không được thấu hiểu, họ sẽ chịu được bao lâu?

Bỏ học từ năm lớp 4, người mẹ bán chè rong nuôi 3 con thành Tiến sĩ ở nước ngoài

Theo Phụ nữ TP.HCM